Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bao bì phân hủy sinh học: Vẫn chờ cơ chế

(22:10:29 PM 24/10/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) -Túi nylon tiện lợi và phổ biến nhưng đi cùng với ưu điểm này là những tác hại lâu dài ảnh hưởng đến môi trường. Bao bì thân thiện môi trường sẽ là giải pháp hữu hiệu thay thế túi nylon trong tương lai. Thế nhưng, việc thiếu tiêu chí đánh giá cũng như thiếu chính sách khuyến khích hỗ trợ đã và đang hạn chế rất nhiều sự có mặt của loại sản phẩm này trên thị trường.


Việc sử dụng túi nylon tự hủy góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: THANH TÂM

 

Nghiên cứu nhiều, ứng dụng ít

Các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học vật liệu ứng dụng tại TPHCM đã giới thiệu một số loại bao bì, màng nhựa sinh học. Kết quả thử nghiệm cho thấy loại bao bì này bảo vệ rau quả tốt hơn rất nhiều so với bao bì nhựa truyền thống. Đặc biệt, loại bao bì sinh học nói trên có khả năng phân hủy hoàn toàn sau 45 - 60 ngày được chôn trong đất. Tuy nhiên, đến nay sản phẩm này vẫn chỉ nằm trong phòng thí nghiệm do chưa có đơn vị nào quan tâm nên chưa thể phát triển thành sản phẩm thương mại.

 

Nghiên cứu của TS Trần Thị Mỹ Diệu và các cộng sự khoa công nghệ và quản lý môi trường Trường Đại học Văn Lang TPHCM cũng cho thấy nhiều loại polymer có khả năng phân hủy sinh học. Đơn cử như polymer biodegradable có khả năng phân hủy thành CO2, CH4, nước, các hợp chất vô cơ, sinh khối dưới tác động của enzyme vi sinh vật. Có thể đo được bằng phương pháp phân tích tiêu chuẩn, trong khoảng thời gian nhất định với điều kiện môi trường thải bỏ sẵn có… Trở ngại lớn nhất ở đây đó là thiếu những tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá và sự hạn chế về công nghệ.

 

TS Hà Thúc Chí Nhân, Giám đốc Công ty TNHH SX-TM Một Bước Tiến cho biết, từ năm 2009, công ty đã kết hợp với nhóm nghiên cứu ở Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM tiến hành nghiên cứu sản phẩm nhựa có khả năng phân hủy sinh học trên cơ sở phối trộn nhựa thông thường với tinh bột với hàm lượng 30% và 60% khối lượng. Giải pháp này cho phép tạo ra các loại vật liệu bao bì thân thiện với môi trường, giảm dần hàm lượng sử dụng nhựa thông thường (PE, PP…). Đặc biệt, giải pháp này rất khả thi và phù hợp với điều kiện hiện tại trong nước.

 

Cụ thể, loại bao bì này có thể được sản xuất bằng quy trình công nghệ đơn giản, tính chất sản phẩm tạo thành có thể chấp nhận và đặc biệt là giá thành sản xuất sản phẩm cao hơn tối đa 20% so với loại bao bì thông thường. Điều đáng lo ngại khi Luật Thuế bảo vệ môi trường được áp dụng, cơ quan chức năng sẽ ứng xử như thế nào đối với các doanh nghiệp kê khai sản xuất túi tự hủy thân thiện với môi trường. Bởi hiện chưa có tiêu chuẩn quốc gia cho sản phẩm này.

 

Cần một cơ chế hợp lý

Nghiên cứu đã có thế nhưng cho đến nay các sản phẩm thân thiện với môi trường lại không được ứng dụng một cách rộng rãi, chậm đi vào cuộc sống. Lý giải thực tế này, các nhà khoa học cho rằng đa số các loại sản phẩm này giá thành rất cao, lại chưa có chính sách hỗ trợ phát triển. Trong khi chúng ta vẫn chưa làm chủ được công nghệ sản xuất bao bì sinh học, thiếu tiêu chí, quy chuẩn về bao bì tự hủy nên kiểm định phải dựa vào tiêu chuẩn tương đương của nước ngoài và chấp nhận sự cam kết của doanh nghiệp. Mặt khác, ý thức của cộng đồng về việc thay đổi cách sử dụng sản phẩm mới còn rất hạn chế.

 

Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM, khẳng định đơn vị đang triển khai thí điểm việc sử dụng túi tự hủy. Thế nhưng do thiếu tiêu chí chứng nhận nên việc sử dụng còn rất hạn chế. Ông Hoàng Văn Điều, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Văn hóa Tân Bình, cho rằng chính vì thiếu tiêu chuẩn và những chính sách hỗ trợ về tài chính cho loại bao bì tự hủy nên từ khi sản xuất ra loại túi này công ty chỉ có thể xuất khẩu sang nước ngoài mà chưa thể bán tại thị trường trong nước.

 

Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, cho biết đối với các loại bao bì thân thiện với môi trường, đặc biệt là bao bì phân hủy sinh học, hiện nay chúng ta chưa có một tiêu chí nào đánh giá cụ thể và chính sách hỗ trợ để phát triển. Vì thế rất khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, đầu tư vào lĩnh vực này.

 

Trước thực trạng đó, UBND TP đã giao Sở TN-MT phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chủ trương giảm sử dụng túi nylon trên địa bàn thành phố, chú trọng đến việc khuyến khích các đơn vị sản xuất nghiên cứu các vật liệu thân thiện với môi trường, dễ phân hủy, dễ xử lý nhằm thay thế cho vật liệu sản xuất túi nylon. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc giảm sử dụng túi nylon, vận động các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ.

 

PGS-TS Hồ Sơn Lâm,Viện Khoa học vật liệu TPHCM, cũng cho biết xem xét trên quan điểm chủng loại sản phẩm, chúng ta không khỏi giật mình, vì các sản phẩm mà ta chế biến và xuất khẩu phần lớn là nhựa dân dụng. Loại sản sản phẩm này được sản xuất bằng những công nghệ đơn giản nhưng lại đòi hỏi nguồn năng lượng lớn. Do đó, chưa tính đến yếu tố sử dụng thì việc sản xuất loại sản phẩm này hiện tại cũng đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

 

Thống kê gần đây có thấy, có đến 85% các doanh nghiệp sản xuất là cá thể hay hộ gia đình nên khả năng xử lý khí thải phát sinh trong hoạt động sản xuất là không thể. Nếu chúng ta không có một cơ chế cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ việc sản xuất cũng như sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường thì những công trình nghiên cứu này vẫn chỉ nằm ở trên giấy.

MINH XUÂN - MINH HẢI (SGGP)