Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Bọ que - Ảnh minh họa
Nhiều vạt rừng dẻ trên núi đã mất đi màu xanh tự nhiên vốn có mà thay vào đó là màu thâm nâu giống như cây đã bị chết khô. Giờ đang là thời điểm thu hoạch quả dẻ nhưng năm nay dẻ mất mùa. Mỗi cành cây dẻ có rất nhiều bọ que đang ăn lá cây. Nhiều con bọ que có chiều dài 5-7 cm, chiều ngang 0,5-1 cm, màu xanh, có 3 cặp chân cao, đầu có râu. Chúng có thể chuyển đổi màu sắc để ngụy trang.
Lãnh đạo xã Hoàng Hoa Thám cho biết: Gần như cánh rừng nào cũng bị bọ que gây hại. Đến nay, bọ que chỉ ăn cây dẻ, chưa hại loài cây khác. Bọ que là côn trùng thường có ở trong rừng. Năm 2007 và 2009, bọ que đã từng gây hại rừng dẻ nhưng với diện tích nhỏ, mức độ lây lan ít, mật độ bọ que thấp. Các cây dẻ bị ăn trụi lá khi đó đã ra lá mới vào mùa xuân năm sau.
Vào thời điểm đầu tháng 10, bọ que mới chỉ hại vài héc-ta rừng dẻ nhưng đến nay đã lây lan rất nhanh. Hiện nay, khoảng 450 ha rừng dẻ trồng hỗn giao với các loại cây khác bị bọ que tàn phá, chiếm 30% tổng diện tích rừng dẻ trồng hỗn giao ở Chí Linh; riêng diện tích dẻ bị hại khoảng 50 ha, tập trung ở xã Hoàng Hoa Thám và Bắc An. Mật độ bọ que trung bình 100-150 con/cây, có nơi mật độ lên tới 500-1.000 con/cây. Mức độ bọ que phá hại khá nặng, nhiều cây dẻ đã bị trụi lá, ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng.
Sau khi phát hiện bọ que tàn phá rừng dẻ, các cơ quan chức năng của Hải Dương đã kiểm tra thực tế và bàn cách xử lý. Theo Chi cục Bảo vệ thực vật, cần ưu tiên diệt trừ bọ que ở những khu rừng dẻ vừa mới bị gây hại để ngăn chặn lây lan, sau đó mới phun cho diện tích bị hại nặng hơn. Tuy nhiên, việc phun thuốc diệt trừ bọ que sẽ gặp nhiều khó khăn do cây dẻ ở trên núi cao, rừng dẻ xen canh với các loại cây khác. Các cơ quan chức năng của Hải Dương cần sớm có giải pháp cứu rừng khỏi bị bọ que phá hại.