Khu nhà mồ được chôn theo hủ tục với hàng chục người nằm chung một mộ của làng Bôn Tông Se nằm trong khuôn viên trường TH Lê Hồng Phong
Khu nhà mồ của làng Bôn Tông Se, nằm trong khuôn viên Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, được hình thành từ sau giải phóng. Đây là khu nhà mồ khá nhỏ gọn, chỉ vài ba ngôi mộ nằm kề nhau. Nhưng trong mỗi ngôi mộ lại có đến hàng chục bộ hài cốt được chôn chung với nhau.
Khu nhà mồ chỉ cách trường học có vài mét khiến tâm lý giáo viên, phụ huynh và học sinh luôn lo sợ
Theo tục lệ ma chay của làng, khi trong làng có người chết, người thân và làng xóm sẽ bỏ thi thể người mất vào quan tài đục bằng thân cây rồi chôn xuống lòng đất. Và khi trong làng có người khác chết, họ lại tiếp tục đào ngôi mộ mới chôn kia ra, để bỏ thi thể người mới mất chôn chung cùng trong ngôi mộ của người đang nằm trong quan tài kia.
Muốn đi ra nhà vệ sinh (khu nhà mái màu xanh) giáo viên và học sinh phải đi qua khu nhà mồ này, khiến họ rất sợ hãi
Cứ như vậy, những người chết trong làng sẽ được chôn cùng một quan tài, trong một ngôi mộ cho đến khi… đầy hài cốt thì thôi. Và hàng năm, cả làng lại chọn một ngày tốt để mang rượu, thịt… đến khu nhà mồ tổ chức lễ bỏ mả; trong ngày này họ sẽ ăn uống, vui chơi suốt 1 ngày, đêm rồi mới ai về nhà nấy.
Và khu nhà mồ này không xa đâu khác mà nằm ngay trong khuôn viên Trường TH Lê Hồng Phong (được xây dựng năm 2001), chỉ cách các phòng học, phòng ăn vài ba mét, cùng chung một lối đi chính là cổng trường học.
Cô Ksor Uyn, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/3 cho biết: “Khu nhà mồ nằm ngay trong trường học khiến tôi thấy rất bất tiện. Nhiều lúc đang dạy, tôi muốn ra ngoài đi vệ sinh, hay ói… tôi đều rất sợ vì muốn ra khu nhà vệ sinh phải đi qua nhà mồ. Đặc biệt, vào mỗi buổi chiều chiều tối, nhất là trời mưa đứng dạy học sinh mà trong lòng tôi cũng thấy... rờn rợn".
Giếng nước của trường nằm gần khu nhà mồ có mùi tanh không dùng được, còn hàng ngày các em học sinh và giáo viên phải ăn, học... bên cạnh nhà mồ
Cô Lan (51 tuổi) làm cấp dưỡng của trường cho biết, học sinh ở bán trú ở đây hồi đầu rất sợ, các em phải nằm chung giường ôm nhau ngủ, không dám ra khu nhà mồ. "Bản thân tôi cũng rất sợ, lúc có học sinh thì không sợ nhưng chiều tối thì sợ, tôi không dám ở đây mà tối phải về ở nhờ nhà cháu họ”, cô Lan kể.
Ngoài các phòng học của học sinh nằm ngay cạnh khu nhà mồ, thì phòng ăn và phòng ở của các học sinh bán trú cũng nằm liền kề đó. Hàng ngày càng em phải ăn, học, ngủ nghỉ, vui chơi… bên cạnh một “làng ma”. Ngay đến một giếng nước của trường được khoan cách khu nhà mồ vài chục mét cũng không dùng được vì nước quá tanh lại đục ngầu.
Khu nhà ăn, nghỉ của học sinh tiểu học cũng nằm ngay bên cạnh nhà mồ
Trao đổi với chúng tôi, anh Ksor Trông- Hiệu trưởng nhà trường cho biết, khu nhà mồ này có từ trước khi thành lập trường, đến nay vẫn còn chôn cất. Năm 2009, trong làng Bôn Tông Se có 1 người chết cũng chôn chung 1 ngôi mộ, cách đây hơn 1 tháng trong làng có 1 em học sinh chết đuối và cũng được người dân mở nắp ngôi mộ này chôn chung vào đó. Riêng ngôi mộ này tính cả em học sinh là 10 người được chôn chung trong đó rồi.
Vì nhà mồ nằm ngay trong trường nên mỗi khi có đám ma là trường phải cho học sinh nghỉ học cả tuần để làng tổ chức ma chay, rồi sau lại đi học bù. Hay đến mùa bỏ mả, người dân cũng kéo nhau mang rượu, đồ ăn ra khu nhà mả tổ chức chúng tôi cũng phải cho học sinh nghỉ học rồi lại dạy bù. Mỗi lần như vậy, đều rất mất vệ sinh, mùi rượu và thức ăn thừa bốc lên, giáo viên trong trường phải ra dọn sạch sẽ rồi mới cho học sinh đi học được.
Thầy Trông cho biết thêm, trường có 590 em học sinh, giếng nước lại nằm trong khuôn viên của nhà trường, lại gần khu nhà mồ nên nhiều phụ huynh thấy lo lắng. Một số phụ huynh đã chuyển trường, không cho con học ở đây nữa. Mỗi khi học sinh bị đau ốm gì, phụ huynh đều đến trường nói và họ đổi thừa con họ bị bệnh là do học ở trường có khu nhà mồ bên cạnh…
Khu nhà mồ này còn ảnh hưởng đến việc xây dựng thành tích của trường: “Khi xây dựng tiêu chí trường chuẩn Quốc gia, trường chúng tôi luôn bị trừ điểm bởi có khu nhà mồ này. Đã nhiều lần tôi làm kiến nghị chuyển khu nhà mồ nhưng mãi mà chưa được”, thầy Ksor Trông bộc bạch.
Ông Võ Hưng Quang- Chủ tịch UBND xã Ia Trôk cho biết, trước đây nhà trường, UBND xã cũng đã vận động nhân dân di dời khu nhà mồ ra khỏi khuôn viên trường. Hiện vấn đề lớn đặt ra là khó khăn về quỹ đất để di dời. "Đến nay chúng tôi đang cố gắng tìm một quỹ đất để nhân dân di dời", ông Võ Hưng Quang cho biết.