Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Món ăn trị dị ứng

(08:24:45 AM 23/10/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) -Đôi khi dị ứng chỉ là những vết mày đay khó chịu trên da nhưng cũng có lúc gây sốc phản vệ, nguy hiểm đến tính mạng. Theo đông y, dị ứng xảy ra ở những người ít ăn rau, thích các món cay và nóng. Nguyên nhân sâu xa gây dị ứng là chức năng tiêu độc của gan và bài tiết ở thận suy giảm.

Dễ dị ứng khi gan, thận suy

 

Khi ăn chất đạm, chất béo và đường, bộ máy tiêu hóa phân hủy các chất này thành acid amin cơ bản rồi tổng hợp lại để duy trì hoạt động cơ thể. Trong quá trình này, cơ thể sinh ra độc tố khiến gan phải hoạt động để làm vô hại chất độc, đẩy chúng ra ngoài theo đường đại tiện, tiểu tiện và mồ hôi.

Nếu chức năng gan kém, thận sẽ làm việc hết công suất để bài tiết chất độc. Khi cả chức năng tiêu độc và bài tiết của gan, thận suy yếu cộng với sức khỏe giảm sút, cơ thể dễ bị phong (gió), nhiệt (nóng), thấp (ứ nước); gây ngứa dị ứng, mày đay như: mụn nhọt, trứng cá, u bã đậu, lở ngứa…

 

Nhiều loại trái cây có thể chế biến món ăn có tác dụng trị mày đay. Ảnh: XUÂN THẢO

Biểu hiện đa dạng

 

Mỗi cơ thể sẽ phản ứng với một số dị nguyên nhất định nên chất dị ứng ở người này chưa chắc gây dị ứng với người khác. Khi dị ứng với một chất nào đó, không phải độc chất từ chất đó ảnh hưởng lên cơ thể mà chỉ do hệ miễn dịch cảm thấy lạ nên kích hoạt đáp ứng miễn dịch dị ứng. Những người có cha, mẹ hoặc cả hai cùng bị dị ứng thì nguy cơ dị ứng rất cao.

Biểu hiện dị ứng rất đa dạng. Ở thể nhẹ và vừa, da nổi mày đay, đỏ bừng, phù mạch; nôn mửa, quặn bụng, đau bụng, tiêu chảy; hen phế quản, phù thanh quản. Ở thể nặng, cơ thể phản ứng sốc phản vệ ngay sau khi dị ứng.

Tân dược khó trị dứt điểm

Dùng thuốc bôi ngoài da cũng như uống tân dược chỉ hết dị ứng tạm thời, sau một thời gian bệnh sẽ tái phát nên cần điều trị bằng các món ăn có tính thanh nhiệt, giải độc, nhuận gan.

- Để trị mày đay thì dùng đu đủ 100 g, gừng tươi 6 g, giấm gạo 100 ml. Đu đủ gọt bỏ vỏ, thái miếng cho gừng và giấm vào nấu lên, đun nhỏ lửa cho đến khi giấm cạn, lấy đu đủ ra ăn. Dùng 2 lần vào sáng và tối. Một bài thuốc khác nữa dùng nguyên liệu là sơn tra 30 g, mạch nha 15 g, lá tre tươi 15 g, cam thảo 3 g; tất cả cho vào ấm, đổ 500 ml nước sạch vào sắc; bỏ bã lấy nước uống; chia uống 3 lần trong ngày.

Ngoài ra, có thể dùng mướp tươi 1 quả rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước bôi vào chỗ mày đay, nổi ban hoặc lấy lá hẹ tươi (100 g) rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước, đun nóng lên. Chia làm 2 phần: Một phần uống, một phần bôi vào chỗ mày đay, phát ban. Nếu viêm mũi dị ứng thì dùng món ăn sau đây để trị sẽ rất hiệu nghiệm: Thịt bò 100 g rửa sạch, thái miếng; rau thơm 15 g cắt nhỏ, gạo tẻ và tỏi tươi (bóc vỏ, đập dập) mỗi thứ 60 g, gia vị vừa đủ. Gạo tẻ vo sạch, đem ninh thành cháo. Khi cháo chín, cho thịt bò và tỏi vào đun sôi thêm một lát nữa rồi cho rau thơm và gia vị vào, ăn nóng trong ngày. Món này giúp trừ hàn, làm giảm xuất tiết và thông mũi.

 

 Giữ ấm cơ thể về sáng

Cũng có thể ngừa dị ứng bằng cách tránh tiếp xúc  bụi bặm, lông động vật, phấn hoa, mùi lạ. Không hút thuốc lá; đặc biệt phải giữ ấm cho cơ thể nhất là khi về sáng hoặc mùa lạnh; đeo khẩu trang khi đi đường cũng như khi làm việc trong môi trường nhiều bụi. Nhỏ, xịt mũi khi bị ngạt bằng các thuốc co mạch giúp thông mũi; nghỉ ngơi, sinh hoạt điều độ; uống vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

 

Lương y HOÀI VŨ