Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Còn quá nhẹ tay với tham nhũng Tin mới nhất

(08:06:03 AM 23/10/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) -Năm qua, cả nước chỉ có 7 địa phương, 3 ngành báo cáo có các cơ quan, đơn vị trực thuộc đã tự phát hiện tham nhũng thông qua kiểm tra nội bộ. Riêng tỉnh Hà Nam không khởi tố án tham nhũng nào

“Tuy đạt được tiến bộ trên một số lĩnh vực nhưng nhìn chung tình trạng tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp; xảy ra ở nhiều lĩnh vực, địa phương; công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) vẫn còn nhiều hạn chế và chưa thực hiện được mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng” – báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN năm 2011 gửi các đại biểu Quốc hội nhìn nhận.

 

Xử lý trách nhiệm 67 người đứng đầu

Báo cáo của Chính phủ dẫn số liệu từ VKSND Tối cao cho thấy số vụ án cùng các bị can tham nhũng bị khởi tố, truy tố và xét xử năm 2011 đều giảm so với năm trước. Theo đó, từ 1-10-2010 đến 30-9-2011, cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 449 bị can về các tội danh tham nhũng trong 220 vụ án. VKSND các cấp truy tố 219 vụ với 456 bị can. TAND các cấp xét xử sơ thẩm 229 vụ án với 501 bị cáo.

Khai thác khoáng sản cũng là lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng (Ảnh có tính minh họa). Ảnh: THẾ DŨNG

 

Trong số tội phạm mới khởi tố, tội tham ô chiếm tỉ trọng lớn nhất với 51,8% về số vụ và 43,2% về số bị can; tội nhận hối lộ chiếm 8,1% số vụ và 8,9% số bị can; tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản 15,9% số vụ và 13,8% số bị can; tội lạm dụng quyền hạn trong khi thi hành công vụ đứng thứ hai với 18,1% số vụ và 27,1% số bị can… Trong số các bị cáo bị kết tội tham nhũng, tội ít nghiêm trọng chiếm nhiều nhất với 68,3%, tội nghiêm trọng 17,4%, tội rất nghiêm trọng 10,6% và tội đặc biệt nghiêm trọng chiếm 3,7%. Đáng chú ý là tỉ lệ tội phạm tham nhũng được hưởng án treo hoặc phạt cải tạo không giam giữ chiếm tỉ lệ khá cao là 39,2%.

Năm qua, khởi tố, truy tố và xét xử hơn 200 vụ án tham nhũng song mới có 67 người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; trong phạm vi quản lý có 3 trường hợp bị xử lý hình sự, 14 người bị cách chức, số người nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo là 16 và khiển trách là 34.

 

Tự phát hiện tham nhũng: Hạn chế

Báo cáo của Chính phủ đánh giá lĩnh vực đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng, quản lý tài chính, tài sản công, quản lý doanh nghiệp Nhà nước và ngân hàng là những lĩnh vực xảy ra nhiều vụ tham nhũng trong năm qua.

Về một trong những nguyên nhân khiến tình hình tham nhũng còn diễn biến phức tạp, Chính phủ cho rằng việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ, cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế. Đa số các bộ, ngành, địa phương báo cáo không có trường hợp tham nhũng nào tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ. Cả nước chỉ có 7 địa phương, 3 ngành báo cáo có các cơ quan, đơn vị trực thuộc đã tự phát hiện tham nhũng thông qua kiểm tra nội bộ. Trong đó, TPHCM tự phát hiện 8 vụ, Lâm Đồng 4 vụ, Hậu Giang 2 vụ, Bắc Kạn 2 vụ, Ninh Thuận 1 vụ, Quảng Trị 1 vụ; ngành ngân hàng 16 vụ, ngành công an 4 vụ và ngành bảo hiểm xã hội 1 vụ.

Có những địa phương trong năm qua không phát hiện, khởi tố được vụ án tham nhũng nào hoặc ít phát hiện, khởi tố các vụ án tham nhũng. Một số tỉnh như Quảng Trị, Điện Biên, Bến Tre, Sóc Trăng… chỉ khởi tố 1 vụ, 1 đối tượng tham nhũng. Cá biệt có tỉnh Hà Nam không khởi tố án tham nhũng nào.

Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội cũng đưa ra 7 giải pháp PCTN trong những tháng cuối năm 2011 và cả năm 2012, trong đó đáng chú ý có việc sớm ban hành quy định về trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; quy định bảo vệ người tố cáo tham nhũng; kiểm soát thu nhập của những người có chức vụ quyền hạn…

Chưa phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong vụ Securency

Đó là kết quả xác minh bước đầu của Bộ Công an đối với thông tin về việc Công ty Securency (Úc) hối lộ Công ty TNHH Phát triển công nghệ CFTD của Việt Nam. Tuy nhiên, trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội cũng cho biết Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, giao Bộ Công an và VKSND Tối cao tiếp tục vụ việc từ phía Thụy Sĩ và Úc. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, cũng đã có ý kiến chỉ đạo về vấn đề này trong văn bản đề ngày 1-9-2011.

 

Hà Thành (Người lao động)