Chuyện bị "ông tý" leo qua người không còn lạ với những người đã nuôi bệnh lâu ngày nhưng lại là nỗi kinh hoàng với những người lần đầu vào bệnh viện TPHCM, nhất là phụ nữ vốn sợ loại động vật họ gặm nhấm mang tiếng bẩn thỉu.
Leo và ca chứa nước của người nuôi bệnh. Ảnh chụp tại khu chờ của người thân ở Bệnh viện Chợ Rẫy (Thiên Chương)
Hoàn hồn sau khi bị chuột ngang nhiên chạy lên người, chị Thanh cho biết: "Đang ngủ thì tôi có cảm giác nhồn nhột ở chân. Mở mắt ra vừa nhìn thấy nó, chưa kịp phản ứng thì nó đã tung mình chạy luôn từ chân lên đến vai tôi rồi chuồn qua một khe nhỏ ở góc hành lang".
Quá sợ, người phụ nữ ngồi co ro trên ghế không dám ngủ. Chưa đến nửa giờ sau, một chú chuột to hơn lại xuất hiện chạy băng băng trên hành lang. Chị Thanh bèn đẩy chồng đang bị bệnh sang một bên rồi lên chiếc giường hẹp cùng nằm.
Không chỉ ở lầu 3, chuột còn tung hoành ở nhiều tầng khác của Bệnh viện Chợ Rẫy. Càng lên cao, loại chuột cống to bằng bắp tay không thể tồn tại mà nhường địa bàn cho chuột nhắt, loại chuột nhỏ hơn.
Một người nuôi bệnh tại lầu 7, thuộc Khoa Lồng ngực mạch máu cho biết chuột thường bắt đầu tìm thức ăn vào lúc mọi người đi ngủ. Chúng chạy khắp nơi để tìm kiếm, thấy thức ăn dành cho người bệnh nằm ở hành lang không có tủ chứa, là chúng tấn công ngay.
"Thiếu giường, không có chỗ nghỉ, chúng tôi đành nằm hành lang. Thế là trên đường đến với mồi ngon, chuột chạy lên người người nuôi bệnh lẫn người bệnh", anh Hồ Hữu Nghị, có người nhà nằm viện tại lầu 7 than phiền.
Chuột chạy trên vách để tìm thức ăn. Ảnh: Thiên Chương
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, khu vực mà chuột lộng hành nhiều nhất là trại A25, nơi thân nhân trú lại để chờ người thân đang phẫu thuật hoặc hồi sức đặc biệt. Chuột không chỉ xuất hiện vào đêm mà còn chui vào ca nước, cắn phá thức ăn giữa ban ngày. Dưới chân giường, đất đùn lên từng ụ do chuột đào hang sinh sống, sinh sản sau đó chạy khắp nơi.
"Mấy ngày đầu còn sợ và không dám ngủ, sau tôi quen dần và thấm mệt nên đành phải sống cùng với chúng. Bệnh truyền nhiễm đến đâu tính sau. Chỉ thương cho mấy cô gái phải nuôi mẹ bị tai nạn, hầu như các em phải thức suốt đêm vì không thể chịu được cảnh chuột chạy qua người", chị Thủy, nhà ở quận 4 đang chờ chồng hôn mê sau phẫu thuật nói.
Không nhiều bằng Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng ở khu vực hành lang phòng bệnh, các miệng cống nằm trong khuôn viên của các bệnh viện tại TP HCM như Bệnh viện 115, Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, chuột đều xuất hiện.
"Chúng tôi gọi đùa chúng là thỏ vì con nào cũng to. Bệnh viện cũng có vài con mèo xuất hiện về đêm nhưng không mèo nào dám chén chuột cả vì chuột rất to và đông", anh Huỳnh, chờ nằm điều trị tại hành lang Bệnh viện Ung Bướu cười nói.
Chuột ngang nhiên ở bệnh viện như chốn không người. Ảnh: Thiên Chương
Trao đổi về vấn đề trên, ông Trần Đấu Chính, Trưởng phòng Quản trị Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết bệnh viện đã hợp đồng với một công ty chuyên nghiệp để diệt chuột và gián thường xuyên. Song ông cũng thừa nhận vẫn không thể diệt được hết nạn chuột.
Kỹ sư Vũ Xuân Hiển, phụ trách kỹ thuật của đơn vị hợp đồng chống chuột tại Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết dù cố gắng hết sức trong một tháng tới để giảm tối đa nạn chuột nhưng diệt triệt để là không dễ.
"Chúng tôi đã dùng thuốc và keo nhưng chỉ có chuột cống hám ăn mới ăn thuốc còn chuột nhắt ở các lầu cao thì khó hơn. Với keo dính, lũ chuột nhắt sau vài lần dính phải cũng khôn ranh né tránh", ông Hiển nói.
Cũng theo kỹ sư Hiển, một lý do khác khiến không diệt được hết chuột trong bệnh viện là chúng luôn sinh sản và có thể di chuyển từ ngoài bệnh viện vào bằng đường cống rãnh.
"Chính vì thế, để giúp bệnh viện trừ chuột, người nuôi bệnh cần có ý thức trong việc vứt thức ăn thừa đúng chỗ và không nên để thức ăn qua đêm", một bác sĩ nói.