Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nông dân trở thành nhà khoa học

(16:02:36 PM 19/10/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Đến thăm nhóm giống nông hộ tại xã Phong Phú, câu chuyện bà con ở đây đã tự sản xuất được một giống lúa mới từ một nắm thóc do một cán bộ tỉnh xin được từ nước bạn mang về làm chúng tôi không khỏi ngạc nhiên.


Lúa nông hộ. Ảnh: Châu Đoàn/Oxfam

 

Anh Nguyễn Văn Phấn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình kể lại, trong một lần đi hội thảo nông nghiệp tại Thái, anh băn khoăn tại sao nước bạn cũng sản xuất lúa như Việt Nam nhưng lúa của họ chất lượng hơn và gạo của họ ngon hơn. Tiện thấy thóc được bầy ở thúng, nhìn hạt thóc đẹp, cũng không hiểu đó là thóc thịt hay giống thuần, anh xin một ít về cho bà con cấy thử.

 

Đem được nắm thóc về, một phần anh muốn là xem giống lúa của bạn thế nào, nhưng quan trọng hơn là anh muốn biết anh chị em trong nhóm có thể tự nhân giống được không sau những hỗ trợ của dự án giống nông hộ.

 

Từ lâu nay, việc tự sản xuất giống không còn phổ biến trong nông dân nữa mà phần lớn phụ thuộc vào các viện và các trung tâm sản xuất hoặc nhập khẩu. Mỗi vụ, người dân phải mua giống tại các cửa hàng, phần lớn là lúa lai từ Trung Quốc do năng suất cao. Giống lúa lai giá cao, không để được giống lại phải có phân bón và thuốc bảo vệ thực vật riêng đi kèm. Đôi khi việc cung cấp giống bị chậm, cấy không đúng vụ nên năng suất không cao và tăng khả năng dịch bệnh. Chính vì vậy, việc không chủ động được về giống làm người dân phải chịu chi phí đầu vào cao và chịu nhiều rủi ro về mùa vụ.

 

Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình đã chủ động tìm hiểu về nhu cầu tự chủ về giống để sản xuất của người dân và đặt vấn đề với Oxfam. Và dự án giống nông hộ đã được thí điểm triển khai 3 năm nay tại 9 xã thuộc 3 huyện của tỉnh Hòa Bình với nhiều kết quả đáng khích lệ.

 

Được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, và tự trải nghiệm trên ngay cánh đồng nhà, bà con ở đây đã làm cho giống nông hộ đã trở thành một “thương hiệu” được nhiều người biết đến và sử dụng không chỉ ở các xã dự án. Nhóm sản xuất được giống thì không còn phải đi mua nữa. Những nông dân khác nếu phải mua thì cũng tiết kiệm được chi phí đầu vào do sự chênh lệch về giá cả. Bà con hiện đang trao đổi giống là chính với tỉ lệ là 1kg giống đổi lấy 1,5kg thóc thịt – một cân thóc thịt có giá 6.000 nên giống nông hộ khoảng 9.000 đồng; trong khi 1kg giống lai giá bán từ 70-80 nghìn đồng. So với giống lai, giá giống bà con tự sản xuất rẻ khoảng hơn 8 lần trong khi năng suất cũng tương đương mà lại ít sâu bệnh hơn.

 

Chị Nguyễn Thị Bảy, một thành viên chủ chốt của nhóm giống nông hộ của xã Phong Phú là người được anh Phấn trao lại nắm lúa anh đem từ Thái Lan về. Khi mới tham gia vào dự án, nhiều người không tin chị có thể làm được, họ trêu: “mày có biết cấy đâu mà đi làm giảng viên?”. Nhưng qua tập huấn, thực hành, và sự quyết tâm học hỏi chị đã trở thành một giảng viên nòng cốt giúp chia sẻ kinh nghiệm làm lúa giống cho người khác.

 

Anh Phấn và chị Bảy kể chuyện giống lúa từ Thái Lan. Ảnh: Châu Đoàn/Oxfam

 

Chị Bảy kể nắm lúa đem gieo được đúng 2 cái mạ, và khi cấy họ mới biết đó không phải là lúa giống mà chỉ là lúa thường nên nó lại tách ra thành mấy loại. Cuối vụ đó họ cũng thu được 10Kg giống. Đến vụ thứ 2, nhóm tự chọn ra mấy loại có vẻ hợp với vùng đất của mình, để cấy lại. Rồi họ tiếp tục nghiên cứu và chọn tạo được một giống mới.

 

“Từ vụ chiêm 2010 tới giờ tính cả xã trong xã ngoài, giống này đã cấy được đến 10ha” chị Bảy vui vẻ khoe kết quả. “Giống này có chất lượng tương đương, năng suất tốt từ giống được 70-72 tạ/ha, lúa thịt được 80-85/ha và chịu sâu bệnh tốt hơn.”

 

Theo anh Phấn ngoài việc dự án đã giúp người dân từng bước trở nên tự chủ hơn về giống, giảm chi phí đầu vào, điều anh mừng nhất đó là người dân đã biết được kỹ thuật và cách làm nên họ tự gây giống được – “Người dân đang trở thành nhà khoa học!”.

Nguyễn Thị Hoàng Yến, Cán bộ truyền thông của Oxfam