Từ biển lên rừng, nhiều vùng bị cô lập
Vượt trong màn mưa đen kịt, xối xả, chúng tôi đến những vùng ngập lũ. Đi đến đâu bà con cũng bảo lũ ngày càn phức tạp, không theo qui luật.
“Nhiều khu dân cư trước đây không hề bị ngập lụt thì nay bị nước lũ bao vây, khiến bà con không trở tay kịp...” - ông Nguyễn Dũng nhà ở Tam Mỹ Tây, Núi Thành cho biết.
Tranh thủ nước ngập, nhiều người dân dùng xe kéo để đưa khách và phương tiện qua những khu vực ngập lụt rất nguy hiểm. |
Ngay chiều hôm qua và sáng hôm nay, nước lũ đã uy hiếp và chia cắt nhiều tuyến đường về vùng tây huyện Núi Thành. Đây là vùng nhiều năm nay không hề thấy nước lụt.
Còn tại huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, vùng đông Quế Sơn, nước lũ đã chia cắt hoàn toàn các khu dân cư. Nước từ thượng nguồn đổ về gây ngập hơn 5.000 hộ dân.
Tuyến đường liên xã Đại Đồng - Đại Lãnh - Đại Sơn (Đại Lộc) bị ngập sâu, người dân muốn qua lại khu vực này phải thuê phà vận chuyển với mức phí 50 nghìn đồng/lượt người và xe máy.
Chiều 18/10, nước tại Hội An tiếp tục lên nhanh, uy hiếp nhiều vùng trũng thấp. Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết: “Trước mắt địa phương huy động các lực lượng, phương tiện, dụng cụ túc trực 24/24, sẵn sàng ứng cứu, giúp dân ở những vùng trũng thấp sơ tán nếu nước lũ lên nhanh trong đêm.
Đường lên vùng cao Tây Giang bị sạt lở nặng |
Ở hai huyện Đông Giang, Tây Giang, do tuyến đường ĐT 604 bị sạt lở nặng tại xã Hòa Phú, Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) và dốc Rùa (xã A Ting, Đông Giang) nên giao thông hoàn toàn bị tê liệt.
Để đến được Đông Giang, Tây Giang, lực lượng ứng cứu buộc phải đi theo tuyến đường Hồ Chí Minh từ Nam Giang qua.
Ông Lê Văn Luyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết: “Hiện nước vẫn còn ngập sâu tại một số điểm nên giao thông hết sức khó khăn. Sáng hôm nay (18/10) sạt lở tại Mà Cooih, Zà Hung trên tuyến đường HCM gây ách tắc giao thông. Nguy cơ Đông Giang và Tây Giang bị chia cắt là khó tránh khỏi...”.
Chiều 18/10, ông Bríu Quân, Chánh Văn phòng UBND Tây Giang cho biết, tuyến đường đi các xã vùng cao Tây Giang như Ch’ơm, Gary, A Xan vẫn ách tắc do mưa lớn gây lầy lội và sạt lở trong những ngày qua...”.
Trưa hôm nay (18/10), cơ quan chức năng đã tìm thấy xác của bà Trần Thị Chín, 47 tuổi, trú quán xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên bị lũ cuốn trôi và mất tích vào lúc 4 giờ chiều hôm qua (17/10)
Vất vả vì mưa lũ |
Nhờ chủ động ứng phó kịp thời với lũ bất thường, lực lượng thanh niên xung kích tại Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành đã cứu thành công 3 người dân bị lũ cuốn trôi vào sáng hôm qua.
“Ốc đảo” miền rừng
Mưa lớn từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập lụt và lũ quét nhiều nơi trên địa bàn huyện Quế Sơn, Hiệp đức, Trà My, Tiên Phướ, Nông Sơn... Sáng 18/10, nước lũ dâng nhanh trong gần 1 tiếng đồng hồ đã gây ngập lụt ở nhiều tuyến đường với mức nước hơn 1m.
Tại khu vực cầu Liêu, cầu Sông Lĩnh (thuộc thị trấn Đông Phú), nước lũ tràn qua cầu gây ngập sâu gần 1,5m làm tắc nghẽn giao thông nhiều giờ liền, nhiều trường học phải cho học sinh nghỉ.
Tuyến đường ven lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 đi trung tâm xã Trà Bui (Bắc Trà My) bị sạt ở lở 2 điểm gây ách tắc giao thông. Ông Nguyễn Thanh Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Bui cho biết, hệ thống điện lưới tại xã Trà Bui bị mất hoàn toàn từ rạng sáng ngày 17/10 đến nay.
Cầu ngầm Sông Trường (xã Trà Sơn) - tuyến giao thông huyết mạch lên các xã vùng cao 2 huyện Bắc Trà My, Nam Trà My đã bị nước lũ chia cắt từ nhiều ngày nay cô lập hoàn toàn hai huyện Nam, Bắc Trà My.
Trên tuyến đường ĐT611 đi Quế Sơn - Nông Sơn bị tắc nghẽn giao thông, đoạn đèo Le thuộc địa phận Nông Sơn sạt lở vùi lấp đường, biến các vùng dân cư đông đúc tại huyện Nông Sơn thành ốc đảo vì tắc đường và lũ bao vây bốn phía.
Trong những ngày qua, trên địa bàn huyện Tây Giang có mưa to khiến giao thông từ trung tâm huyện về 4 xã khu 7 là Tr’Hy, A Xan, Ga Ri, Ch’Ơm bị ách tắc. Theo đó giá bán một số mặt hàng thiết yếu ở các địa phương này tăng vọt.
Mưa lớn kéo dài đã làm cho tuyến đường từ xã Lăng đi các xã khu 4 có nhiều đoạn lầy lội, sạt lở; các phương tiện gặp không ít khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa. Phần lớn những người có nhu cầu đi lại bằng xe máy đều phải chờ nhau để đi theo đoàn để tương trợ nhau, đưa xe qua những đoạn đường xấu.
Vượt sông giữa mùa lũ lên Tây Giang |
Chiều 13/10, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, giao thông lên các xã vùng cao Tr’Hy, A Xan, Ga Ri, Ch’Ơm vẫn bị ách tắc tại đoạn đường sạt lở, lầy lội dài khoảng 10km thuộc thôn A Banh (xã Tr’Hy).
Trong những ngày qua, huyện Tây Giang đã huy động lực lượng thường trực tại một số đoạn đường xấu để kịp thời xử lý, tạo hành lang an toàn cho người tham gia giao thông.
“Trước tình trạng ách tắc gây ảnh hưởng đến đời sống người dân xã vùng cao, huyện Tây Giang đã liên hệ với các đơn vị thi công trên tuyến đường này tập trung lực lượng, phương tiện để thông tuyến. Tuy nhiên, đến nay các đơn vị thi công vẫn chưa có biện pháp xử lý kịp thời” - ông Thành nói.
Theo người dân vùng cao các huyện miền núi cho biết: do cước phí vận chuyển cao nên giá một số hàng hóa thiết yếu ở các xã Ga Ri, Ch’Ơm, A Xan...huyện Tây Giang, các xã vùng biên giới Nam Giang... trở nên đắt đỏ do nhiều vùng dân cư bị nước lũ chia cắt nhiều ngày nay.
Hiện người dân nhiều vùng của Quảng Nam đang gồng mình chống chọi với lũ lụt.