Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Quan niệm sinh viên trường dân lập kém là sai lầm. Trong ảnh: Sinh viên Khoa Công nghệ thực phẩm Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM thực hành. Ảnh: Tấn Thạnh
Khi “nói không” với sinh viên tốt nghiệp cử nhân hệ tại chức vào năm 2010. TP Đà Nẵng đã tạo ra cú sốc thực sự với hệ thống đào tạo ĐH, CĐ, gây nhiều tranh luận lúc đó và cũng là “đòn cảnh báo” với hình thức đào tạo tại chức. Đến nay, tỉnh Nam Định lại tạo thêm cú sốc khi “nói không” với các cử nhân tốt nghiệp các trường dân lập. Trong thông báo số 95/TB-UBND ngày 22-6, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, đã khẳng định: “Người dự tuyển công chức phải có đủ các điều kiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, được đào tạo hệ chính quy tập trung dài hạn tại các trường công lập...”.
Phân biệt đối xử
Dưới góc độ một nhà làm luật, cũng là giáo sư từng đảm nhận chức vụ giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng quy định của UBND tỉnh Nam Định không đúng luật. Theo GS Đào Trọng Thi, đối với các loại văn bằng nằm trong hệ thống văn bằng của Nhà nước thì đây là quy định không thể chấp nhận được. Thông báo này đã thể hiện rõ phân biệt đối xử. Theo GS Đào Trọng Thi, người đứng ra tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp có thể tuyển dụng với những điều kiện riêng theo yêu cầu của mình. Nhưng cơ quan Nhà nước mà ra hướng dẫn như thế thì trái thẩm quyền, không đúng tinh thần trong công tác quản lý Nhà nước. “Như vậy, tỉnh đã tự tạo nên sự phân biệt đối xử với những đối tượng được thừa nhận là có sự công bằng như nhau” - GS Đào Trọng Thi nhấn mạnh.
GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, cũng có chung nỗi bức xúc với điều kiện tuyển công chức gây sốc của tỉnh Nam Định. GS Quân cho rằng đây là một định kiến đáng phải phê phán. Quy định của tỉnh Nam Định không chỉ sai về lý mà còn sai về tình. Việc một cơ quan quản lý Nhà nước lại ra quy định trái luật là không chấp nhận được. GS Trần Hồng Quân nói quy định này là hệ quả của một cách nghĩ xa rời thực tiễn. Không phải cứ trường công là sinh viên có chất lượng cao, trường tư là yếu kém.
Thực tế nhiều năm nay, không ít trường ngoài công lập đã có những nỗ lực không ngừng để nâng cao chất lượng đào tạo. GS Trần Hồng Quân kể ông từng gặp một sinh viên người Nam Định tốt nghiệp một trường CĐ ngoài công lập và đang làm cho một công ty nước ngoài. “Khi tôi hỏi cậu ấy sao không về quê, cậu ấy chỉ cười như có lỗi với quê hương. Thực ra, thu nhập của cậu ấy rất cao, hầu như tất cả sinh viên của Trường CĐ SaigonTech đều có việc làm sau khi tốt nghiệp. Không thể nói là sinh viên trường tư thục thì kém, họ còn nói tiếng Anh tốt hơn nhiều sinh viên công lập” - GS Trần Hồng Quân nhấn mạnh.
GS Đào Trọng Thi cũng có chung quan điểm này. Theo GS Thi, có thể trong các trường công lập, tỉ lệ sinh viên có năng lực tốt nhiều hơn nhưng không thể nói sinh viên ngoài công lập là kém. Trường tư thục cũng có những sinh viên rất giỏi.
Chặn cơ hội của người tài
“Quy định của UBND tỉnh Nam Định đã chặn cơ hội của sinh viên các trường dân lập, tư thục. Nếu thế thì Nhà nước đào tạo và công nhận họ làm gì?” - GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, bức xúc. Theo GS Phạm Minh Hạc, Nhà nước đang khuyến khích xã hội hóa giáo dục mà quy định như thế khác gì ngăn cản việc xã hội hóa giáo dục, nó không đúng với chủ trương của Nhà nước. Nếu địa phương nào cũng như Nam Định thì các trường dân lập có tồn tại được hay không?
Nhận xét về chủ trương của Nam Định, GS Đào Trọng Thi cho rằng UBND tỉnh không có quyền “cấm cửa” cử nhân trường dân lập, tư thục nộp hồ sơ hay thi tuyển công chức. Ông cho rằng cơ hội tham gia tìm kiếm việc làm là công bằng với tất cả mọi người. Mọi người đều có quyền tham gia tuyển dụng nhưng họ có đáp ứng được yêu cầu của người tuyển không lại là chuyện khác. “Nếu tư duy minh bạch như vậy thì mọi người sẽ hành động đúng với cương vị của mình, đừng làm hộ những người khác. Làm hộ như vậy là trái thẩm quyền” - GS Đào Trọng Thi nhìn nhận.
Ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT, cho rằng: “Có thể cá nhân nào đó có quan điểm sinh viên ngoài công lập là kém. Tuy nhiên, ở vị trí và sự hiểu biết một lãnh đạo tỉnh mà có quan điểm như vậy thì thật đáng tiếc”.
Khuyến khích chạy theo bằng cấp
Ông Đặng Thế Huy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Lương Thế Vinh, nơi có sinh viên bị từ chối trong đợt thi tuyển công chức ở tỉnh Nam Định vừa qua, bức xúc: “Quan niệm sinh viên dân lập là kém, công lập là giỏi là quan niệm sai lầm”. GS Phạm Minh Hạc khẳng định tất cả các trường công lập và trường ngoài công lập đều do Thủ tướng quyết định thành lập và đều do Bộ GD-ĐT quản lý về mặt Nhà nước và chuyên môn. Luật Giáo dục đã quy định bằng cấp, sản phẩm đào tạo của trường công lập hay ngoài công lập đều được đối xử như nhau. Quan điểm tuyển dụng lấy tiêu chí bằng cấp làm trọng là không hợp lý. Bằng tốt nghiệp của sinh viên học các trường ĐH, CĐ công lập hay ngoài công lập đều do Nhà nước quyết định và người học đều tin tưởng vào quyết định đó. Điều này sẽ tạo nên những bất cập, khuyến khích kiểu đào tạo chạy theo bằng cấp. Trên thực tế, nhiều người chỉ có bằng tại chức nhưng năng lực làm việc, khả năng quản lý còn tốt hơn cả người có học vị tiến sĩ. Theo GS Phạm Minh Hạc, quan trọng là năng lực thực tế của mỗi người. Không thể tuyển dụng được người tài bằng cách gạt những người tốt nghiệp trường ngoài công lập ra ngoài ngay từ đầu.