Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh họa
Hải Lăng, vùng “rốn lũ”
Ngày 18/10, mặc dù nước đã bắt đầu rút, nhưng tại Hải Lăng vẫn mênh mông một biển nước. Hầu hết các tuyến đường giao thông về các xã vùng trũng như Hải Thành, Hải Thiện, Hải Ba, Hải Vĩnh,... đều bị ngập hoàn toàn, nhiều nơi bị ngập sâu từ 0,5-1,5m.
Đi thuyền dọc theo sông Ô Lâu từ Mỹ Chánh về các xã Hải Tân, Hải Hoà, cả một vùng đất lúa mênh mông nay đang ngập chìm trong biển nước. Hàng trăm ngôi nhà bị nước ngập quá giường nằm. Từ thôn Phú Kinh qua An Thơ (Hải Hòa) rồi lên Hội Kỳ (Hải Chánh) nhà cửa, ruộng vườn đang ngập chìm trong nước lũ.
Nước lũ lên nhanh khiến nhiều người dân vốn ở vùng "rốn lũ" vẫn còn bất ngờ. Ông Nguyễn Văn Đĩu ở xã Hải Chánh cho biết, đợt lũ này lên khá nhanh, khiến công tác di dời tài sản và người khá vất vả.
Ông Nguyễn Mãnh, Chủ tịch UBND xã Hải Hoà cho biết, về độ triều cường thì năm nay không cao, nhưng mức độ nguy hiểm hơn vì nước lũ đổ về quá nhanh. Toàn xã Hải Hoà có 1.073 hộ thì có đến 950 hộ bị ngập sâu từ 1-2m. Còn ô ng Nguyễn Triển, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hải Lăng cho biết, toàn huyện có khoảng 8.800 ngôi nhà bị ngập nước dưới 2m.
Kinh nghiệm sống chung với lũ
Mặc dù lũ lên cao và nhanh, gây ngập lụt lớn trên diện rộng nhưng hầu như tài sản trong nhà của người dân đã được bảo vệ. Kinh nghiệm sống chung với lũ lụt trong nhiều năm qua đã tạo cho người dân Hải Lăng sự chủ động chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để có thể sống chung với lũ lụt dài ngày.
Ở các xã vùng trũng, người dân đều cố gắng xây dựng cho mình một căn nhà có tầng lầu để chứa đồ đạc. Đối với các hộ không có điều kiện xây dựng nhà cao tầng thì trong căn nhà cấp bốn của mình, các hộ dân đã làm một gác xép. Nơi đây dùng để cất lúa và đồ đạc, cũng như dự trữ lương thực, nhiên liệu cho gia đình. Anh Võ Văn Hạ ở xã Hải Vĩnh cho biết, năm nào cũng vậy, mỗi khi đến mùa mưa lụt, gia đình anh đều đưa lên gác xép đầy đủ những đồ dùng cho gia đình sống được khoảng 1 tuần lễ. Những thứ không thể thiếu là gạo, mỳ ăn liền, dầu lửa, một vài can nước sạch, mắm muối,... Khi mưa lũ về, gia đình anh sẽ đưa những vật nhẹ còn lại và người lên tránh lũ tạm thời trên đó. Không chỉ gia đình anh, hầu như nhà dân nào ở đây cũng chủ động chuẩn bị như vậy. Cùng với chuẩn bị về nhà cửa, hầu như nhà dân nào ở vùng trũng cũng tự chuẩn bị mình một chiếc thuyền nhỏ để sử dụng khi mưa lũ. Theo khảo sát, tại các xã vùng trũng thường xuyên bị ngập lụt, có trên 90% số hộ dân đều có ghe thuyền để sử dụng khi lũ lụt đến.
Ông Nguyễn Mãnh, Chủ tịch UBND xã Hải Hoà cho biết, phần lớn hộ dân ở đây đã xây dựng cho mình một ngôi nhà cao tầng, các hộ còn lại cũng đã có gác xép để cất đồ đạc. 95% số hộ dân trong xã này cũng đã trang bị được ghe, thuyền để sử dụng khi lũ lụt về.
Để bảo vệ đàn gia súc, người dân các xã vùng trũng đã xây dựng chuồng chăn nuôi lợn có sàn cao để chống lụt. Đối với đàn trâu, bò, người dân ở thôn Thi Ông, xã Hải Vĩnh đã có cách làm hay để chủ động trong việc bảo vệ, chăm sóc cho đàn gia súc trong những ngày mưa lũ. Trong đợt lũ này, người dân ở đây đã chọn một vùng đất cao nhất rồi dựng lều bạt, chuẩn bị thức ăn và đưa trâu bò lên để tránh lũ. Các hộ chăn nuôi trâu bò thực hiện chia phiên chăn giữ để giảm bớt công và đi lại bằng ghe thuyền qua những khu vực sâu nguy hiểm đến tính mạng. Anh Võ Đình Vang, thôn Thi Ông, xã Hải Vĩnh nuôi 3 con bò, nếu không đưa lên tránh lũ kịp thời sẽ bị lũ cuốn trôi. Ông Võ Văn Huy, Trưởng xóm Thượng Hòa, thôn Thi Ông cho biết, với cách làm này, trong nhiều năm trở lại đây các hộ chăn nuôi trâu bò ở thôn Thi Ông, xã Hải Vĩnh không bị thiệt hại do lũ cuốn trôi hoặc bị chết do thiếu thức ăn, bởi bà con dự trữ thức ăn cho trâu, bò tới 15 ngày. Không chỉ thôn Thi Ông, nhiều địa phương khác đã có cách làm hay để bảo vệ đàn gia súc của mình trong đợt lũ lụt này.
Với sự chủ động và kinh nghiệm phòng chống lũ lụt, huyện Hải Lăng đã giảm thiểu được thiệt hại về người và của trong những trận lũ lụt vừa qua và đợt lũ lụt hiện nay.