Khi sóng thần xảy ra, lực lượng chức năng phải sơ tán khoảng 27.230 hộ dân với 133.529 người ở 20 phường thuộc 5 quận ven biển Đà Nẵng. Ngoài ra, còn có 6.500 du khách đang vui chơi, tắm biển; 75 tàu thuyền với 910 lao động đang đánh bắt cá và 450 tàu thuyền các loại đang neo đậu...
Sau 3 lần liên tục phát thông tin cảnh báo sóng thần (từ 8 giờ 5 phút đến 8 giờ 10 phút), tất cả các khu dân cư ven biển, các trường học và du khách tắm biển đều nhận được thông tin và bắt đầu di tản.
Lúc này, Sư đoàn 372 điều hai máy bay trực thăng bay từ hướng Thừa Thiên - Huế vào dọc bờ biển Đà Nẵng để thông báo sóng thần và yêu cầu người dân di tản, không được chủ quan.
Kèm theo đó, tàu Hải quân vùng 3, Cảnh sát Biển vùng 2, Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng và Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực 2 cũng hú còi báo động, sử dụng pháo hiệu cảnh báo tình hình nguy hiểm trên biển.
|
Trên bờ, Công an TP Đà Nẵng, dân phòng phường Thọ Quang (Q.Sơn Trà) và chính quyền địa phương đến từng tổ dân phố yêu cầu người dân sơ tán...
8 giờ 17 phút, công tác sơ tán dân bắt đầu được triển khai với sự hỗ trợ của hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ thuộc Quân khu 5, Bộ Chỉ huy quân sự TP Đà Nẵng và Q.Sơn Trà, Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng. Trong khi đó, Công an TP Đà Nẵng cũng được huy động để hướng dẫn, bảo vệ người dân sơ tán khẩn cấp.
Đến 8 giờ 50 phút, toàn bộ công tác sơ tán nhân dân, người tắm biển, học sinh trường Nguyễn Phan Vinh, trường Ngô Quyền; ngư dân và tàu cá... đã hoàn thành.
Hàng ngàn người dân và du khách đã được sơ tán an toàn vào các khu nhà cao tầng.