Tại huyện Vũ Quang có 6 xã bị cô lập gồm: Đức Lĩnh, Đức Bồng, Đức Hương, Hương Thọ, Ân Phú, Đức Giang với gần 2.900 hộ dân bị cô lập. Hiện đã có hai hộ dân tại thị trấn huyện này đã được di dời về nơi an toàn, do nhà nằm sát bờ sông, tường bị nứt rạn.
Lũ nhấn chìm các xã Đức Lĩnh (huyện Vũ Quang) |
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Vũ Quang cho biết: Các tuyến đường huyết mạch của huyện bị ngập như, tuyến đường liên huyện Ân Phú-Cửa Rào, nước lũ cũng chia cắt khiến nhiều đoạn đường liên xã ngập sâu hơn 1 m như: Cầu Tràn (Ân Phú), cầu Giồng (Đức Giang) và tại thôn Mỹ Ngọc (xã Đức Lĩnh), cầu Cố Tiến (Đức Bồng).
Do mưa lớn kéo dài, mực nước sông dân cao hộ gia đình bà Lê Thị Loan (56 tuổi, trú tại xóm 3, thị trấn Vũ Quang) bị sập đổ, mặt tường phía trước và nửa mái ngói trôi dạt xuống dòng sông, may không thiệt hại về người.
Lũ tại xã Đức Bồng (huyện Vũ Quang) |
Tại rốn lũ Phương Mỹ, Phương Điền, lũ đã gây cô lập hoàn toàn 2 xã này với thế giới bên ngoài. Hiện nước lũ đã gây ngập lụt và cô lập hoàn toàn gần 1000 hộ dân.
Tại Bản rào Tre, thuộc xã Hương Liên, huyện Hương Khê cầu Tràn nối bản với đường liên xã bị nước ngập băng gần 1m, nước trên thượng nguồn đổ về mạnh khiến người dân, học sinh không dám đi lại. Mọi sinh hoạt của dân bản đều bị cô lập với bên ngoài. Hơn 1000 học sinh đã được cho nghỉ để tránh lũ.
Quảng Bình, Quảng Trị: 14 người thương vong
Mưa lũ nghiêm trọng tại tỉnh Quảng Bình trong mấy ngày qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Đếm chiều tối ngày 17/10 trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Bình đã có 4 người chết, 8 người bị thương, gần 50.000 ngôi nhà bị ngập.
Hiện có 49.432 nhà bị ngập, trong đó ngập sâu hơn 1m là 32.720 nhà. Đã có 1275 hộ dân phải di dời, trong đó huyện Quảng Ninh 475 hộ, huyện lệ Thủy 350 hộ, huyện Bố Trạch 250 hộ, huyện Tuyên Hóa 200 hộ. Có 1036 ha hoa màu bị ngập, 390 ha thủy sản bị chìm.
Ngày 17/10/2011, Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Quảng Trị cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 3 người chết liên quan đến lũ lụt.
Hai người bị nước lũ cuốn trôi đã tìm thấy thi thể tại huyện Hướng Hóa. Thêm một người tử nạn sáng nay là ông Lê Cảnh Ga (58 tuổi, trú tại thôn Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong) bị điện giật chết trong lúc dọn dẹp nhà cửa để tránh lũ.
Hai xã Hải Phúc và Ba Lòng của huyện Đakrông (Quảng Trị) vẫn bị cô lập hoàn toàn, nước lũ chia cắt các thôn của hai xã trên
Trước mắt, trăm hộ dân ở vùng này đã được di dời lên nhà uỷ ban, trạm y tế, ở những điểm cao tránh lũ.Người dân các xã vùng lìa giáp sông Sê Pôn của huyện Hướng Hóa như Thanh, Thuận, Pa Tầng, A Dơi… đang di tản lên vùng cao tránh lụt.
Thừa Thiên - Huế: Nạn nhân tử vong đầu tiên vì lũ
Mưa lũ tại Thừa Thiên – Huế khiến một người chết và một người bị thương phải cấp cứu tại BV T.Ư Huế. Nhiều khu dân cư bị chia cắt do nước lũ.
Ngày 17/10, nước lũ trên sông Ô Lâu qua xã Phong Bình dâng lên rất cao. Khoảng 13g trưa, bà Nguyễn Thị Dung, thôn Vĩnh An, xã Phong Bình, huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế khi quay đầu ghe trong sân vườn nhà mình thì ghe bị lật úp.
Trong cơn lũ dữ và không biết bơi, bà Dung đã bị chết đuối. Chiều cùng ngày, lực lượng chức năng đã tìm thấy xác bà Dung.
Tại thôn Khuôn Phò, thị trấn Sịa, một người bị té ngã khi kê kích đồ đạt tránh lũ. Sau khi xảy ra sự việc, gia đình phối hợp với chính quyền địa phương đưa người gặp nạn cấp cứu tại BV T.Ư Huế.
Tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền – nằm dọc sông Ô Lâu, từ 0g ngày 17/10, nước lũ dâng cao chóng mặt đã khiến cho 80% nhà dân trên địa bàn xã này bị ngập chìm trong nước lũ. Cá biệt, có nơi nước lũ ngập sâu trên 2m. Ngay trong đêm, chính quyền địa phương đã di dời khẩn cấp 120 hộ dân lên vùng cao tránh lũ.
Đến trưa ngày 17/10, nước lũ trên sông Ô Lâu tiếp tục tràn về với tốc độ cực mạnh, thuyền đuôi tôm là phương tiện duy nhất tiếp cận với các thôn. Lũ chảy rất mạnh khiến phương tiện này di chuyển hết sức khó khăn.