|
Cây sò đo cam được trồng thành hàng dài trước Trường tiểu học Lộc Sơn 1 (Bảo Lộc, Lâm Đồng) - Ảnh: VÕ TRANG |
- Thời gian gần đây cây sò đo cam (hay còn gọi là chuông đỏ, hồng kỳ, tulip châu Phi...) - có tên khoa học là Spathodea campanulata - trở thành loại cây “nóng” khi từ năm 2003, trong cuốn sách Sinh vật ngoại lai xâm hại: sự xâm lăng thầm lặng, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đưa cây này vào vị trí 41 trong danh sách “100 loài sinh vật ngoại lai xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng trên thế giới”.
Trong khi đó, loài cây này đang khoe sắc tại một số tỉnh thành của VN, đặc biệt phổ biến ở Lâm Đồng. Tại TP.HCM, sò đo cam cũng được trồng ở một số tuyến đường, có khá nhiều tại đường Nguyễn Văn Linh, Q.7.
Sò đo cam có nguồn gốc từ châu Phi, thân gỗ nhỡ, có hoa từng cụm màu vàng đậm hay đỏ cam, hạt có cánh phát tán theo gió và nảy mầm rất nhanh.
TS Phạm Trịnh Hùng - phó trưởng khoa lâm nghiệp ĐH Nông lâm TP.HCM - cho biết: “Theo các tài liệu khoa học đáng tin cậy thì Spathodea campanulata là cây phát tán hạt qua gió, mọc nhanh, có khả năng loại bỏ các cây khác trong cùng phạm vi phân bố. Từ đó cho thấy cây này sẽ nhanh chóng xâm chiếm các vùng đất hoang hóa, các vùng rừng đã bị tác động dẫn đến việc làm giảm mức độ đa dạng sinh học do sự cạnh tranh tiêu cực của chúng với các loài cây khác.
Trong một hệ sinh thái thì các sinh vật sống có mối quan hệ qua lại theo chuỗi thức ăn, việc mất đi đa dạng thực vật sẽ hình thành hệ quả cho việc mất đi sự đa dạng của các loài động vật, từ đó đưa đến sự biến đổi, suy thoái hệ sinh thái và tất yếu có cội nguồn từ việc mất đa dạng sinh học bản địa”.
Điều khó hiểu là ngày 1-7-2011, trong thông tư 22/2011 của Bộ TN&MT xác định cây sò đo cam là loài thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại nhưng chưa xuất hiện ở Việt Nam; thế nhưng ở Lâm Đồng, loài cây này đã có từ trước đó rất lâu và đã phát triển đến mức Sở NN&PTNT Lâm Đồng phải ra thông báo khuyến cáo!