Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Có thương thì về... rốn lũ

(21:12:15 PM 17/10/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Qua ba con đường: nhựa, đan rồi đường đất; một con đò ngang, thêm một chuyến đò dọc, vài mái nhà lẻ loi, lô xô trong biển nước nhấp nhô dần hiện ra. Trong cái vẻ đẹp dịu dàng, hoang sơ, đượm chút u hoài mùa nước nổi, chú Hai nói nho nhỏ “ai có thương thì mới về đây chớ…”

1. Cái căn nhà nhỏ giữa mênh mông đồng nước ở bên con kinh, thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An này nằm lọt thỏm giữa Đồng Tháp Mười.
 
 
Ai “có thương” thì hãy về đây!
 
Cứ tới đây, là như thấy cả con người và cuộc sống của Đồng Tháp Mười từ thuở nào đâu đến giờ hiện ra. Những đám tràm bạt ngàn mùa này chỉ còn thấy đọt cây. Đề vừa giở xà di- một loại dụng cụ bắt cá làm bằng tre- giũ giũ những con rô non đang xòe vây dữ tợn, nói: “Mùa nước vầy bữa nào cũng có ăn, không cá thì rắn, chuột. Mùa khô kìa, mới cực ăn”.
 
Một ngày đặt vài chục cái xà di, thêm một tay lưới nhỏ, cá ăn không hết, vợ Đề cho vào cái thùng sắt dành hôm sau, vì “rẻ rề hà, có mười ngàn đồng một ký. Cá nhỏ thì đổ trở xuống ruộng”. Chi tiết này khiến tôi rất thú vị. Cái xà di do chú Hai- ba Đề làm, chỉ bắt cá rô cỡ vừa miệng ăn. Nhưng những người “đặt dớn” thì không vậy, cá tép nhỏ, lòng ròng đều trút hết. Tôi nghe Đề nói như một tiếng than “bởi vậy cá lớn riết đâu còn”.
 
Nhà Đề làm ruộng không ít, mỗi mùa hơn 5 mẫu, thấy tôi tròn xoe mắt “tiền để đâu cho hết”, mới nói “coi vậy chớ có nhiêu, đất mướn mà, công lời chừng triệu là cùng”. Cũng như mọi gia đình ở vùng Tháp Mười, chú Hai từng trồng sen, thả cá, nhưng “sen thì khi vầy khi khác, năm ngoái mỗi ký chỉ có vài ngàn, trồng cực mà lỗ muốn chết”.

Đồng sen mênh mông trên ruộng nước.
 
Nhưng năm nay sen… cười. Tới 14.000- 15.000 đ/kg ngó sen. Những ruộng sen dập dềnh trải dài trên đồng nước mang một vẻ đẹp bình yên khôn xiết. Nhiều người cất chòi giữ sen, như anh Tiến. Trong căn chòi nhỏ chơ vơ giữa biển nước, anh Tiến có một con chó làm bạn và một bếp lửa để nấu cơm hay nướng bất cứ thứ gì bắt được, như rắn, cá rô, cá lóc. Nước rút, sen tàn, lại làm lúa.
 
Nhà chú Hai, cũng như bao nhiêu ngôi nhà khác ở miệt này, rất đơn sơ, đêm lẫn ngày không bao giờ đóng cửa, gió cứ tự nhiên tung tăng vào nhà. Lúc chạy ù ù như đám trẻ nhỏ, khi đứng trân như đang chơi trò trốn tìm. Gió thổi qua mặt đồng mênh mông nước, qua mấy ngọn điên điển vàng bông, qua mấy nhánh cà na sà trái, dường như mang theo cả mùi thơm mát rượi.
 
Ở đây, nếu không có “thời sự” trên chiếc tivi trắng đen treo trên kệ vách, có cảm giác đã tách hẳn khỏi xã hội hiện đại lẫn xô bồ đang ám khói xe cộ hàng ngày. Có lẽ vậy, trong bữa cơm cá đồng nấu chua với bông điên điển, chú Hai nói như tâm sự “ở đây, ai có thương thì mới về, chớ không, đâu thèm về chi!”
 
Mà thiệt, tình người nơi đây, nó mênh mông sâu đậm lắm. Cứ lặng lặng mà đi ngắt mớ bông súng, lặng lặng mà đi nướng gương sen “cỡ này vừa ăn, bùi mà thơm”. Cứ lặng lẽ bơi xuồng ba lá, mái dầm khẽ khoắng nước trong hơi đêm mờ mờ dưới ánh sao, cập vào một mái lá- cũng chơ vơ giữa nước, để “mua thùng mì, sợ bây đói bụng”.
 
2. Đồng Tháp Mười không chỉ là nơi chua phèn, là nơi rốn lũ, mà còn thật sự là một vùng đất đặc biệt của Việt Nam, và cả Đông Nam Á. Nơi có những khu rừng tràm ngập nước, những bầy chim quý và hàng chục loài cá bản địa, có giống lúa trời và bông súng ma, cứ nước lên tới đâu là thân dài tới đó.
 
Bởi vậy, anh Tâm- Chánh Văn phòng Vườn Quốc gia Tràm Chim (Tam Nông- Đồng Tháp) từng nói với chúng tôi một cách vừa thán phục, vừa tự hào: “Thủ tướng Võ Văn Kiệt là ông tổ của khu vườn này. Bởi trước đó, đây chỉ là một công ty nông- lâm- ngư nhằm khai thác tràm và thủy sản, nhưng khi cố Thủ tướng về thăm, đã ngay lập tức quyết định phải giữ lại ít nhất một “Đồng Tháp Mười thu nhỏ”. Bởi quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ có thể làm “biến mất” và không thể nào kiếm ra một Đồng Tháp Mười thứ hai.

Đề nói “mùa nước vầy ngày nào cũng có cá ăn”.
 
Cũng từ đó, thế giới mới biết đến Vườn Quốc gia Tràm Chim, rộng 7.588ha. Để hôm nay, nơi đây đang ra sức giữ lại đặc trưng của Đồng Tháp Mười “trên cơm, dưới cá” là tính đa dạng sinh học, là văn hóa bản địa như thu hoạch lúa trời, đánh bắt cá tự nhiên, là 3 mẫu đất dành riêng cho 147 loài chim nước về sinh sản. Tất cả đều được bảo vệ nghiêm ngặt 24/24. Và những dự án quốc tế, như dự án “Điều tiết nước” theo đúng quy luật thiên nhiên, đang được thực hiện.
 
Anh Chánh Văn phòng còn cho rằng: “Chỉ cháy tràm chừng 1 công đất ở Tràm Chim là… thế giới biết liền, vì đã được theo dõi qua vệ tinh”. Còn Viện lúa ĐBSCL thì “tới đây hàng tháng để theo dõi lúa ma. Mỗi khi thu hoạch, đếm từng hột”. Bởi đây là giống lúa gần như duy nhất trên thế giới- có thể chịu được ngập sâu và ngập lâu, nguồn gien cực kỳ quý hiếm này càng đặc biệt có giá trị trong điều kiện khắc nghiệt do biến đổi khí hậu hiện nay và sắp tới. Cũng vì vậy, theo anh Tâm, mỗi năm, đều có sinh viên từ Australia, Mỹ, Canada,… xin tới đây làm nghiên cứu hàng tháng trời ở “vùng sinh thái độc đáo” của cả thế giới.
 
3.Chú Hai ngồi nướng “mấy thằng” cá rô non, lóc nhí, rắn nước cho từng đứa, nói: “Ngon lắm, về đây mới có, ăn đi con. Bây thấy tao sang hông, đãi bây nhậu ở khách sạn ngàn sao…”
 
Giã từ nơi này, bằng những gì mắt thấy, tôi không thể nói rằng những con người vùng rốn lũ đang giàu sang và đầy đủ. Còn bằng những gì cảm nhận được, tôi lại không thể nói họ đang nghèo khó, vất vả. Nên chỉ mong sao cho người dân được đầu tư tốt hơn về kỹ thuật canh tác, về giống mới thích nghi cao, về cách sống chung với lũ,… đúng theo quy luật đất trời. Để họ có thể sống an toàn và đầy đủ giữa đồng ruộng của mình. Cũng xin đừng đưa về đây những tour du lịch giá rẻ- bởi thực tế sẽ chẳng giúp ích gì nhiều cho người dân nông thôn, mà có khi còn “làm hư” họ đi bằng những mặt trái của “văn minh đô thị” và kinh tế thị trường, như nạn chèo kéo, xin đểu, những vỏ chai nước ngọt hay bã kẹo cao su.
 
Những ai tới với mùa nước nổi hãy là người đến để bảo tồn, để nghiên cứu hay nói đơn giản như chú Hai “có thương thì mới về”!
PHƯƠNG NAM (Vĩnh Long Online)