Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Những cột mốc rác rơi vãi hai bên lề đường
Cột mốc rác
Dạo một vòng quanh Làng đại học Thủ Đức, mọi người dễ dàng nhìn thấy những ụ rác to với nhiều loại rác thải khác nhau dọc hai bên đường. Giống như những cột mốc km, rác ở đây thay phiên nhau làm thành những cột mốc rác rải đều đặn trên suốt những con đường.
Phổ biến nhất là xỉ than tổ ong được chất đống hai bên đường lẫn cùng với rác thải sinh hoạt của người dân. Mặc dù mỗi ngày đều có xe thu gom rác đến để dọn dẹp nhưng vẫn không hết, rác vẫn còn rơi vãi lại rất nhiều sau khi thu dọn.
Thậm chí trước những quán ăn trong khu vực lân cận kí túc xá đại học quốc gia, rác chất cao với đủ loại phế phẩm từ túi ni lông cho đến thực phẩm ôi thiu. Sinh viên vẫn cứ vô tư ăn uống như không có gì. Có thể nói ở đây, rác ở khắp mọi nơi, nhìn đâu cũng thấy một màu trắng xóa của túi ni lông, hộp cơm, giấy vụn…
Những đống rác lớn hơn thì được gom lại một chỗ để tiêu huỷ bằng cách đốt trong những con hẻm nằm sâu bên trong. Những chỗ này từ lâu đã được mặc định là nơi đổ rác công cộng mà không được sự cho phép của chính quyền địa phương.
Không khó để bắt gặp cảnh tượng người dân, đặc biệt là những hộ gia đình gần chợ, vứt những bao rác lớn xuống đây sau mỗi buổi chợ tan. Màu xanh của cây cối xung quanh đã bị hủy diệt bởi những đám cháy nham nhở còn sót lại từ các loại rác khó phân hủy. Chính ý thức bảo vệ môi trường kém cỏi và những thói quen xấu của người dân cũng như phần lớn sinh viên nơi đây đã biến làng đại học Thủ Đức đang dần trở thành “làng rác”.
Cỏ… trắng mọc quanh hồ
Cỏ trắng quanh hồ đá
Theo chân những bạn sinh viên ở đây, chúng tôi đã tới Hồ Đá - “công viên nước” của họ. Hồ đá là nơi tụ tập ưa thích của sinh viên để tận hưởng không gian thoáng đãng và yên tĩnh nơi đây.
Tuy nhiên, vẻ đẹp nên thơ ấy lại đang mất dần qua từng ngày bởi chính những người đang thưởng thức nó. Rất nhiều hộp nhựa, túi ni lông, ly nhựa nằm la liệt quanh bờ hồ sau những buổi dã ngoại ăn uống của sinh viên. Không được ai nhắc nhở về việc phải giữ gìn vệ sinh môi trường cũng như có rất ít biển cấm xả rác ở đây. Vì thế, các bạn trẻ cứ vô tư ăn, vô tư xả rác một cách bừa bãi. Họ không hề quan tâm đến việc môi trường nơi đây đang ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Mỗi khi có gió, rác thải trên bờ lại bị cuốn đi khắp nơi.
Màu trắng xoá của rác khỏa lấp hẳn màu xanh của cỏ. Không những thế, ngay cả dưới mặt hồ cũng có rất nhiều rác nổi lềnh bềnh. Lượng rác thải nhiều như vậy nhưng tiếc thay, xung quanh hồ lại không đặt những thùng rác công cộng “tác chiến”. Cứ thế, sinh viên ngắm cảnh vẫn cứ ngắm, câu cá vẫn cứ câu và xả rác thì vẫn… cứ xả!
Người “cõi dưới”… có vui ?
Đồ cúng rải khắp như thế này !
Không những thế, bánh kẹo cúng còn gieo rãi đầy khắp bờ hồ. Nếu mới nhìn, có lẽ ai cũng nghĩ đó là một bữa tiệc ngọt của những nhóm bạn sinh viên vào một buổi chiều đẹp. Tuy nhiên, khi lại gần mới thấy được đó là một mâm cúng với những bánh kẹo, bim bim bày ra trên bờ.
Tất cả những thứ đó được người đi cúng xả quanh bờ hồ cùng với những lànkhói hương mù mịt. Một người đàn ông còn cẩn thận phân loại từng loại khác nhau và vứt thẳng xuống hồ với câu nói “ phải tôn trọng người âm!”.
Chưa nói đến sự ô nhiễm môi trường từ lượng rác ở trên bờ lẫn dưới hồ, ta cũng đã thấy được sự lãng phí trong việc này. Không biết một tháng có bao nhiêu lượng rác từ những đồ cúng này với những vỏ bánh kẹo được thả xuống hồ một cách không có trách nhiệm như thế. Dù người sống hay đã mất thì có lẽ, lượng rác thải ấy rồi cũng có lúc nhấm chìm hết dòng nước xanh dưới hồ mà thôi.