Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đưa cây trồng biến đổi gene vào Việt Nam: Lợi ích hay ẩn họa khó lường?

(20:36:40 PM 16/10/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Mặc dù cây trồng biến đổi gene (GMC) đã được sử dụng rộng rãi tại nhiều nước như nguồn thực phẩm mang lại nhiều chất dinh dưỡng hơn, việc nên hay không nên sử dụng loại cây trồng này vẫn còn nhiều tranh cãi.

Mới đây, các nhà khoa học đầu ngành tại VN lại một lần nữa đặt ra vấn đề: Nên hay không nên áp dụng GMC tại VN?

 

Có hay không ẩn họa từ GMC?

GMC là loại cây trồng được xem là còn khá xa lạ với người dân VN khi hiện chưa thực hiện trồng trên các thực phẩm phục vụ cho con người. Với công nghệ còn nhiều thô sơ so với các nước phát triển, việc nghiên cứu loại cây này chỉ được khảo nghiệm trên một số loại cây phục vụ công nghiệp, chế biến thức ăn chăn nuôi. Từ năm 2010, Bộ NN-PTNT bắt đầu trồng thử nghiệm ngô biến đổi gene tại 12 điểm thuộc 7 tỉnh, thành. Tháng 9 vừa qua, sau đợt thu hoạch, một kết quả khả quan được ghi nhận là sản lượng, năng suất trên các loại cây này tăng đáng kể.

Thành viên nhóm khảo nghiệm - TS. Lê Huy Hàm – Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp cho biết: “Khả năng kháng sâu của ngô khảo nghiệm rất tốt. Ngô tại Vĩnh Phúc cho năng suất tăng 30-60% so với giống ngô thông thường đang trồng. Tại Đắc Lắc, khả năng kháng thuốc diệt cỏ tốt, cỏ không mọc được, năng suất ngô tăng”. Với các kết quả trên, các đơn vị khảo nghiệm đang hoàn tất hồ sơ báo cáo trình Hội đồng An toàn sinh học của Bộ NN-PTNT để được xem xét, đánh giá, cấp chứng nhận an toàn về sinh thái và môi trường cho 7 giống ngô biến đổi gene này. Theo ông Hàm, nếu vượt qua “cửa ải” này, sớm thì đến 2012, VN mới trồng giống ngô biến đổi gene rộng rãi.

Sở dĩ VN đặt ra vấn đề nên hay không trồng ngô biến đổi gene trong các năm tới như một vấn đề mang tính chiến lược, bởi nhu cầu bức thiết về nguồn thức ăn gia súc đang thiếu hụt đáng kể hiện nay trong khi dư luận vẫn lo ngại về những tác hại khó định lượng của loại cây trồng này. Mỗi năm, VN vẫn phải nhập trên 1 triệu tấn ngô nguyên liệu để chế biến thức ăn chăn nuôi (TĂCN). Giá cả nhập khẩu chi phối không nhỏ đến giá thành sản phẩm, trong khi đó diện tích đất trồng cây phục vụ TĂCN ngày càng bị thu hẹp, nông dân lại chịu quá nhiều chi phí cho việc kháng sâu trừ bệnh. Nhu cầu này, theo Bộ NN-PTNT là khá cấp bách và với những kết quả thử nghiệm thành công vừa qua, việc áp dụng rộng rãi trồng ngô biến đổi gene đang được cơ quan này cân nhắc.

Việt Nam vẫn đang cân nhắc đối với cây trồng biến đổi gene.     Ảnh: TL
Việt Nam vẫn đang cân nhắc đối với cây trồng biến đổi gene. Ảnh: TL

Tuy nhiên, trái với mong đợi của Bộ NN-PTNT là dư luận mang tính phản biện gay gắt của rất nhiều nhà khoa học am hiểu sâu về lĩnh vực nông nghiệp. Mới đây, nhiều ý kiến tranh cãi về việc liệu đã phải là quá cấp bách cho VN để áp dụng loại cây mới chỉ cho kết quả thử nghiệm bước đầu, chưa hoàn thiện quá trình? Nhiều năm nghiên cứu đối tượng cây trồng này, bà Lê Thị Phi Vân – Viện Chính sách chiến lược phát triển NN-PTNT cho biết về những lợi ích cũng như hạn chế của GMC đối với môi trường.

Theo bà, công nghệ biến đổi gene có thể tạo ra cây trồng với đặc tính nổi bật là kháng sâu bệnh, cỏ dại, chống chịu các điều kiện khí hậu khắc nghiệt đồng thời tạo ra dự dồi dào hơn cho dinh dưỡng của cây trồng. Tuy vậy, loại cây này đang tiềm ẩn những nguy cơ với sức khỏe con người, đồng thời phá vỡ cấu trúc sinh học ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. “Con người sử dụng GMC trực tiếp sẽ có nguy cơ bị “nhờn” các loại thuốc kháng sinh. Đa dạng sinh học bị mất cân bằng và còn tạo “điều kiện” cho các sinh vật ngoại lai xâm phạm. Đây là những ẩn họa khó lường từ GMC” – bà Vân nói.

Giữa được và mất


Mặc những minh chứng “hùng hồn” của Bộ NN-PTNT về kết quả khảo nghiệm thành công nói trên, gần 20 nhà khoa học đầu ngành vẫn cho rằng phải thận trọng khi áp dụng GMC tại VN. Theo GS Nguyễn Lân Dũng, mỗi năm nước ta phải nhập 2 triệu tấn khô dầu đậu tương, khoảng 1,6 triệu tấn ngô làm TĂCN, lượng ngô nhập đã là sản phẩm GMC. Nhu cầu vẫn lớn nên cần sản xuất GMC có lợi cho nông dân, song phải có lộ trình rõ ràng. Trong khi đó, nhiều nhà khoa học khác cho rằng mặc dù mới chỉ áp dụng trên các loại cây công nghiệp, cây làm TĂCN, song cần phải được xem xét hết sức kỹ lưỡng giữa những lợi ích thật sự cho người nông dân. Theo bà Vân, một trong những bất cập nhất khi quyết định trồng GMC là phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn giống nhập khẩu. Bà Vân quả quyết: “Hạt giống GMC được cấp bằng sáng chế là cách làm quá khôn ngoan để buộc nông dân phải mua nông dược và chỉ được dùng thuốc trừ sâu theo quy trình của Cty đó. Nông dân bị rơi vào “bẫy” phải mua hạt giống mới và thuốc trừ cỏ mỗi vụ. Hiện nước ta đã có những giống ngô năng suất cao nên phổ biến cây ngô chuyển gene chưa phải là quá cấp bách”.

 Người sản xuất vẫn quan tâm đến những giống cây trồng truyền thống.     Ảnh: TL
Người sản xuất vẫn quan tâm đến những giống cây trồng truyền thống. Ảnh: TL

 

Đồng tình với quan điểm trên, nhiều nhà khoa học cũng cho rằng nhiều yếu tố khác cần được xét lại, liệu năng suất có cải thiện đáng kể hay chi phí được tiết kiệm triệt để hay không. Theo PGS.TS Nguyễn Đăng Vang, năng suất không phải là vấn đề mang tính quyết định bởi hiện nhiều tỉnh vẫn trồng nhiều giống ngô truyền thống cho năng suất cao không kém, tuy nhiên nếu cân nhắc trồng loại cây này, khả năng kháng bệnh sẽ được cải thiện hơn. Riêng với đối tượng cây bông, hiện do vẫn phải nhập khẩu một lượng bông lớn (năm 2010 nhập gần 14.000 tấn bông) với giá cả chi phí khoảng 96 triệu đồng/ha. Nếu áp dụng trồng GMC sẽ giải quyết đáng kể nhu cầu bông cho đất nước trong điều kiện đất đai hạn chế như hiện nay. Còn đỗ tương là thực phẩm trực tiếp phục vụ cho con người nên theo ông Vang không nên áp dụng ngay.

Giới khoa học với nhiều lý do nói trên đã khẳng định rằng cần tránh nôn nóng nếu không muốn thành “vật hy sinh” khi chưa giải quyết thỏa đáng nhược điểm của công nghệ này, đồng thời phải chủ động về nguồn giống. Về điều này, TS Lê Huy Hàm cho biết: “Nước ta có ít nhất 10 cơ quan đang tập trung nghiên cứu về GMC, đã có hành lang pháp lý để phát triển và các nhà khoa học hoàn toàn đủ tự tin vào cuộc. Theo tôi nếu có lộ trình cụ thể, VN sẽ sớm chủ động về nguồn giống GMC, tránh phụ thuộc nước ngoài. Trong điều kiện quỹ đất nông nghiệp đang ngày càng mất đi thì việc áp dụng GMC là điều cần thiết phải làm khi đủ điều kiện”.

Dương Hà (Lao động)