Theo thống kê, các tỉnh ĐBSCL có khoảng 1.000 bến đò ngang, trong đó phần lớn bến đò không phép, người điều khiển không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn, phương tiện cũ nát, không trang bị phương tiện bảo hộ cho khách qua đò, đặc biệt học sinh, trẻ em nhỏ.
Vấn đề an toàn cho học sinh qua đò đang là… chuyện lớn. Ở huyện An Phú, tỉnh An Giang, trong tổng số 3.689 học sinh đi học bằng đò, hiện mới có trên 2.500 cái phao, cặp phao… Ông Doãn Bình Lâm, Phó Phòng GD-ĐT huyện An Phú, cho biết: “Do kinh phí hạn hẹp nên phải ưu tiên cấp áo phao cho học sinh nhà xa, phải đi học bằng đò dọc trước; còn các em ở gần, đi đò ngang thì có thể sử dụng phao của chủ đò”.
Nhiều học sinh vùng thượng nguồn sông Cửu Long đến trường trong điều kiện thiếu an toàn. Ảnh: Minh Tĩnh
Tại Đồng Tháp, Hậu Giang, Cần Thơ…, tình trạng học sinh đi học bằng đò không có áo phao cũng rất phổ biến và một phần nguyên nhân được giải thích là không thể có đủ kinh phí để cấp áo phao cho hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn học sinh. Tại Cà Mau, theo thống kê sơ bộ, trong điều kiện thời tiết bình thường, hơn 90% trong số gần 40.000 học sinh đi học bằng đò, xuồng không có áo phao.
Lãnh đạo các địa phương đều thừa nhận một phần do thói quen, khinh suất của chính các bậc phụ huynh, ý thức của chủ đò và một phần thiếu kinh phí nên đa phần học sinh ở các tỉnh ĐBSCL đến trường trong tình trạng thiếu an toàn.
Xây cầu: Không kinh phí
Chuyện xây cầu nông thôn, dù là cầu tạm, cầu treo, cầu dây văng bắc qua sông, suối đã được nói nhiều nhưng từ lâu nó đã trở thành chuyện khó thực hiện. Ngay cả ở các tỉnh miền Trung vốn có lưu vực sông, suối hẹp, chi phí đầu tư xây cầu không quá lớn như các tỉnh ĐBSCL nhưng chuyện xây cầu từ lâu vẫn không thực hiện được. Ông Huỳnh Tấn Triều, Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn - Quảng Nam, nói: “Địa phương chỉ mong tìm được kinh phí để cung cấp đủ áo phao cho các em an tâm đến lớp, chứ xây cầu thì vẫn còn quá xa”.
Huyện Sơn Hà - Quảng Ngãi là địa phương có nhiều học sinh phải thường xuyên đến lớp bằng đò, xuồng. Hơn 2/3 học sinh các xã Sơn Ba, Sơn Thủy, Sơn Nam, Sơn Bao, Sơn Thượng phải đi đường rừng, theo đò qua sông Rin, sông Re, sông Xà Lò, sông Tang cùng nhiều con sông, suối nhỏ khác mới đến được lớp. Đặc biệt, mùa mưa lũ, các em phải lội qua những con sông nước chảy xiết rất nguy hiểm. Biết là vậy, nhưng theo ông Đặng Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà: “Do không có kinh phí nên việc xây dựng các cây cầu qua sông ở những khu vực có đông học sinh chưa thể thực hiện được”.
Hầu hết các địa phương đều rơi vào tình cảnh thiếu kinh phí xây cầu. Toàn tỉnh Quảng Bình hiện có gần 5.000 học sinh hằng ngày phải đến trường bằng các chuyến đò ngang. Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Bình, than: “Vì thiếu kinh phí nên việc xây 41 cầu giao thông nông thôn thay cho các bến đò phải chờ”…