Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
|
Bất lực!
Người dẫn đường tên Thành (ngụ thị trấn Madagui) vai khoác ba lô, tay chống gậy, tay cầm dao phát cán dài giục chúng tôi lên đường. Dù khá quen với các chuyến đi rừng dài ngày, nhưng lần này anh có vẻ thận trọng và chuẩn bị khá kỹ các tình huống nếu gặp lâm tặc giữa rừng sâu. “Nếu chúng biết tôi dẫn nhà báo vào rừng thì có nước bỏ xứ đi nơi khác sống. Đã có nhiều người vùng này bị chúng đánh, đập phá đồ đạc, dọa đốt nhà vì chuyện đi báo kiểm lâm bắt gỗ”. Nói rồi, anh Thành xốc lại ba lô bước phăm phăm về phía trước. Dốc núi cao dựng đứng, cây rừng ngã rạp hai bên đường không cản được bước chân chúng tôi. Vừa đến khúc quanh đầu dốc, chúng tôi đã chạm trán 2 xe “địa hình” (xe gắn máy độ thành xe thồ) “cõng” những khúc gỗ lao đi vun vút. “Chúng đấy, cất máy ảnh đi”. Anh Thành vừa dứt lời, hai xe thồ nghe tiếng pô phành phạch, trên yên vắt ngang những khúc gỗ dài gần 2m đã đến ngay trước mặt. Hai tên cầm lái mặt non choẹt, tóc nhuộm hung đỏ, phóng xe qua chỗ chúng tôi đứng.
Đợi chúng vừa qua khỏi, anh Thành nháy mắt “chụp đi, chúng không quay mặt lại đâu”. Theo anh Thành, khi xe xuống dốc, người cầm lái quay mặt lại phía sau là cả xe và người đổ liền. Chỉ từ đầu năm đến nay đã có 3 “tay lái” bỏ mạng tại con dốc này vì bị gỗ đè, xe đổ. Biết nguy hiểm, nhưng nhiều lâm tặc vẫn bất chấp, “ôm” những khúc gỗ quý trên cỗ xe “địa hình” băng rừng, thả dốc bất kể trời nắng hay mưa. Chỉ một khúc gỗ khoảng vài tấc, đưa ra tới quốc lộ 20 đã có được 2 - 3 triệu đồng.
Đến lưng chừng dốc Độc, chúng tôi rẽ vào đường tắt để tránh lâm tặc phát hiện và tránh những khúc quanh “chết người” có thể xảy ra do cây ngã, đá rơi. “Tới khu vực tiểu khu 575 rồi. Mới tuần trước, có 2 cây hương bị chặt ở đây”. Nói rồi, anh Thành đi nhanh về hướng sườn dốc - nơi có những vạt rừng ngã rạp. Trước mặt chúng tôi ngổn ngang những cành, lá, bìa thân cây… Chỉ một khoảnh rừng vài ngàn mét vuông, chúng tôi đếm được gần chục cây hương, cẩm lai… bị đốn hạ, có cây đường kính phần gốc cả mét. Bỗng có tiếng xe máy gầm rú, anh Thành kéo tay chúng tôi ngồi sụp xuống. “Chúng đấy. Đưa mặt ra lúc này là mất máy, mất mạng như chơi”.
Phải gần 10 phút sau khi tiếng xe đã đi khá xa, chúng tôi mới dám bước ra đường. Theo vết xe còn in trên mặt đường, anh Thành nhẩm tính phải đến 4, 5 xe gỗ vừa qua. Đi sâu vào tiểu khu 575 chừng hơn 200m đã nghe tiếng cưa máy, tiếng cây rừng ngã rạp, tiếng gọi nhau í ới của các nhóm lâm tặc. Anh Thành dừng bước và khuyên chúng tôi quay ra: “Không đi được nữa, nguy hiểm lắm. Trong đó như một công trường khai thác gỗ. Kiểm lâm, công an có súng còn không dám vào”.
Trên đường trở ra, tới chốt bảo vệ rừng dưới chân dốc Độc, gặp một nhân viên trực ngồi trong lán nói vọng ra: “Chúng đi khiếp quá. Nãy giờ cả chục chiếc ra rồi”. “Có trạm, có lực lượng chốt chặn vậy mà không làm được gì sao?” – chúng tôi hỏi. Một cán bộ Ban Quản lý rừng Khu du lịch sinh thái Madagui, ngao ngán nói: “Chịu! Ra quân truy đuổi được vài ngày lại đâu lại vào đấy. Hết đi đường rừng, đường sông, chúng ngang nhiên phá tường rào, mở đường trong Khu du lịch (KDL) sinh thái Madagui mà đi. Mỗi ngày hàng chục chiếc, có thời điểm cả trăm xe thồ đi thành từng đoàn vào rừng chặt cây, chở gỗ ra như chốn không người. Bảo vệ KDL ngăn chặn thì họ kéo cả đoàn người vào gây chuyện. Báo tình hình cho kiểm lâm, công an nhưng rồi cũng đâu lại vào đấy…”.
Rừng mất, ai chịu?
Hạt phó Hạt Kiểm lâm Đạ Huoai Trần Lưu Dũng nói: “Anh em kiểm lâm đã làm hết sức nhưng không thể ngăn được vì rừng quá rộng, giáp ranh với nhiều địa phương. Đội Kiểm lâm cơ động có 12 người, chỉ đủ chốt giữ tại các xã Phước Lộc và Đoàn Kết. Rừng đầu nguồn Madagui khu vực Thác Voi đã giao gần hết cho chủ rừng – Công ty CP Du lịch Madagui - giữ. Rừng mất, trách nhiệm thuộc về họ chứ chúng tôi làm sao quản nổi”. Thế nhưng, khi chúng tôi đặt vấn đề về trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm trong việc phối hợp với chủ rừng ra sao, ông Dũng cho rằng: “Thì cũng phối hợp đấy nhưng hiệu quả chưa cao…”.
Ông Dũng đưa chúng tôi xem 4 bản kế hoạch bảo vệ rừng và truy quét lâm tặc được Huyện ủy, UBND huyện Đạ Huoai triển khai cho lực lượng trên địa bàn từ đầu năm đến nay và quả quyết: “Lãnh đạo huyện rất cương quyết, phía chủ rừng không làm thì sao giữ rừng nổi”.
Công ty CP Du lịch Sài Gòn - Madagui, là doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Trong vòng chưa đến 10 năm, công ty đã biến cả trăm hécta rừng nghèo kiệt, chỉ có cây chồi gỗ tạp và dây leo bụi, nằm ven suối Madagui, thành KDL sinh thái rừng. Để bảo vệ phần diện tích được giao, công ty cũng xây dựng bức tường đá kiên cố bao quanh dài hàng chục kilômét. Thế nhưng lâm tặc vẫn đục đá phá tường mở lối chở gỗ lậu thẳng vào KDL.
Với những gì đang diễn ra tại khu vực rừng đầu nguồn Mađagui, huyện Đạ Huoai tỉnh Lâm Đồng, chỉ vài năm nữa, không chỉ những cây gỗ rừng trăm năm tuổi mà đến loại cây vài ba chục năm cũng sẽ bị “hạ sát” cạn kiệt, chỉ còn lại dây leo và cỏ dại chống chọi với mưa nguồn, thác lũ… |