Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Một bãi cát hoạt động trái phép trong lòng hồ Dầu Tiếng (ảnh chụp ngày 11-10) - Ảnh: Q.K. |
Đây là cảnh báo được đưa ra tại hội thảo “Hồ Dầu Tiếng, một số vấn đề bức xúc” do Hội Khoa học thủy lợi TP.HCM tổ chức ngày 14/10.
Vừa lo ngập vừa lo thiếu nước
Nếu xảy ra mưa lớn 1.000mm/ngày vào thời điểm này thì bắt buộc hồ Dầu Tiếng phải xả với lưu lượng lớn. Nếu không, nguy cơ vỡ đập với hơn 1 tỉ m3nước đổ dồn về phía hạ du, thảm họa không thể lường được”
Ông VŨ ĐỨC HÙNG |
Theo GS.TS Nguyễn Ân Niên - chủ tịch Hội Khoa học thủy lợi TP.HCM, để đảm bảo an toàn khi nước lũ về quá lớn, hồ Dầu Tiếng có thể xả tối đa với lưu lượng 2.800m3/giây. Tuy nhiên, trong thực tế có lần hồ này chỉ xả 600m3/giây đã gây ngập lụt khá nặng cho TP.HCM, nên việc xả lũ của hồ Dầu Tiếng là nguy cơ ngập treo lơ lửng cho TP.
Ông Nguyễn Trường Xuân, chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP, dẫn chứng thêm năm 2009 hồ Dầu Tiếng xả lũ với lưu lượng 400m3/giây trong hai giờ mà làm người dân ở TP.HCM “nhảy dựng lên”! Thời điểm đó, triều cường dưới hạ lưu sông Sài Gòn lên hơn 1,5m trong khi ngoài biển đang có một cơn bão gây mưa to gió lớn. “Lãnh đạo TP lúc đó yêu cầu tôi lên trực tiếp hồ Dầu Tiếng nhờ lãnh đạo hồ cho “nín” lại một thời gian. Rất may lần đó bão không đổ bộ vào, nếu không sẽ gây hậu quả khó lường. Những tổ hợp bất lợi như bão (gây mưa) + triều cường cao + xả lũ ngày càng xuất hiện nhiều hơn”- ông Xuân cho biết.
“Mùa mưa thì lo ngập nhưng mùa khô hồ Dầu Tiếng lại thiếu nước tưới” - ông Nguyễn Trường Xuân than thở. Theo ông Xuân, nguyên nhân chủ yếu của việc thiếu nước là do nạn lấn chiếm lòng hồ xảy ra phổ biến mà không được xử lý, cộng với tình trạng bồi lắng dưới lòng hồ sau hơn 26 năm hoạt động. “Dung tích thiết kế của hồ Dầu Tiếng là 1,58 tỉ m3 nước nhưng hiện nay dung tích hồ chắc chỉ còn hơn 1 tỉ m3”- ông Xuân nhẩm tính. Còn nguyên nhân gây ngập hạ du khi hồ Dầu Tiếng xả nước với lưu lượng lớn, theo ông Xuân, là do tình trạng lấn chiếm, xây đê kè làm thu hẹp dòng chảy cũng như khả năng chứa nước của sông rạch, khu vực bán ngập dưới hạ du TP.HCM.
Cần có biện pháp quản lý
Mở thêm hướng thoát lũ Về những giải pháp gia tăng dung tích chứa nước, đảm bảo an toàn cho hồ, ông Trần Duy Tiến lưu ý phải ưu tiên trồng lại rừng phòng hộ đầu nguồn, nạo vét sông rạch hạ du để tăng khả năng tải nước. Đồng thời phải nghiên cứu phân lũ ra nhiều hướng. Cụ thể là mở thêm hướng thoát lũ của hồ Dầu Tiếng về sông Vàm Cỏ Đông để giảm ngập cho khu vực hạ du trong trường hợp phải xả nước với lưu lượng lớn. |
Theo ông Vũ Đức Hùng - chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa (quản lý hồ Dầu Tiếng), vấn đề bức xúc hiện nay của hồ Dầu Tiếng là nạn lấn chiếm lòng hồ. Hiện có hơn chục trường hợp tự ý đắp đập, ngăn lòng hồ thành những ao riêng để nuôi trồng. Có trường hợp chiếm đến 10ha lòng hồ. Ông Hùng cho biết công ty ông là đơn vị chủ hồ nhưng chỉ được phân cấp quản lý nguồn nước và phân phối, còn trách nhiệm quản lý, bảo vệ, cấp phép khai thác tài nguyên là do UBND các tỉnh có liên quan đảm trách. Vì vậy, khi phát hiện những trường hợp lấn chiếm lòng hồ, công ty chỉ lập biên bản kiến nghị các địa phương giải quyết.
Ông Nguyễn Văn Lý, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM, cho biết sắp tới, hồ Dầu Tiếng được bổ sung 50m3/giây từ hồ Phước Hòa (Bình Phước) nên việc quản lý, vận hành hồ phải được đổi mới. Ông Lý kiến nghị phải có quy trình vận hành liên hồ Dầu Tiếng - Phước Hòa cũng như quy chế phối hợp với các đơn vị liên quan. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phải đánh giá lại mức độ bồi lắng của hồ để nạo vét, tăng khả năng chứa nước cũng như phòng lũ. Ngoài ra, phải xử lý triệt để nạn lấn chiếm, khai thác, chăn nuôi trái phép trong lòng hồ. Nhiều nhà khoa học cũng đề xuất nên nâng đập chính và các khu vực xung quanh lên thêm 1-2m so với hiện hữu để tăng khả năng chứa nước của hồ.
Ông Trần Duy Tiến, phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ Nông nghiệp phát và triển nông thôn), cho biết sẽ kiến nghị bộ này làm việc với Bộ Tài nguyên và môi trường cùng với các tỉnh, TP liên quan thành lập hội đồng quản lý hồ Dầu Tiếng đủ thẩm quyền xử lý tình trạng lấn chiếm, gây ô nhiễm lòng hồ.
GS.TS Nguyễn Ân Niên cho biết ông sẽ tập hợp những ý kiến của các nhà khoa học tại hội thảo để kiến nghị lên các cấp thẩm quyền nhằm sớm có hướng xử lý, trả lại chức năng cho hồ Dầu Tiếng.