Tình trạng khai thác cát tràn lan đang diễn ra trên hồ Dầu Tiếng
Theo ước tính của chúng tôi, lòng hồ Dầu Tiếng đoạn từ xã Phước An (Tây Ninh) đến địa phận xã Định An (Bình Dương) có hơn 30 ghe tàu bơm hút cát hoạt động. Dọc hai bên bờ hồ có khoảng 20 bến bãi xe tải đang tấp nập ra vào. Bề thế nhất phải kể đến bãi cát của ông chủ có tên Tú tại vị trí K7, vốn đã khai thác “chui” từ nhiều năm nay. Theo người dân địa phương, tình trạng khai thác cát bừa bãi trong lòng hồ Dầu Tiếng công khai một thời gian dài nhưng không được xử lý. Mỗi khi có đoàn kiểm tra thì tất cả các bến bãi đều được thu dọn sạch sẽ trước đó một vài ngày.
Xác nhận với phóng viên, một cán bộ của Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa (Công ty Dầu Tiếng – đơn vị quản lý hồ) cho biết hiện chỉ có 8 đơn vị được cấp giấy phép khai thác cát, trong đó có 2 đơn vị chưa hoạt động, số còn lại “liên kết” với các đơn vị được cấp phép để khai thác “chui”.
“Xẻ thịt” lòng hồ
Ngoài việc khai thác cát mất kiểm soát, hiện hồ Dầu Tiếng còn đứng trước nguy cơ ngày càng bị thu hẹp do tình trạng lấn chiếm tràn lan, làm nguồn nước bị cạn kiệt, ô nhiễm gia tăng. Ông chủ trang trại Phú Gia nằm trên địa phận xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước đã cho người đắp đê bao, cắm rào lấn chiếm hơn 10 ha đất nằm trong diện tích của hồ Dầu Tiếng.
Khai thác cát trên hồ Dầu Tiếng cũng là một tác nhân gây hại
cho cảnh quan, môi trường khu vực Ảnh: THÀNH ĐỒNG
Trang trại Thiên Hà (cũng thuộc địa phận tỉnh Bình Phước) hiện cũng đang độc chiếm một diện tích lớn của hồ Dầu Tiếng để làm nơi chăn nuôi. Quan sát tại hiện trường, chúng tôi thấy khu đất này hiện đang được người của Thiên Hà ngăn ra thành nhiều ao nhỏ để nuôi cá, toàn bộ chất thải đổ thẳng ra lòng hồ.
Hiện nhiều doanh nghiệp, chủ trang trại khác cũng đang lăm le lấn chiếm mặt nước hồ để chăn nuôi. Đơn cử như trường hợp ông Trần Văn Sinh (xã Minh Hóa, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) hiện đang lấn chiếm khoảng 10 ha thuộc diện tích của hồ Dầu Tiếng để nuôi cá, heo, xây nhà máy chế biến khoai mì… Tất cả thức ăn thừa của cá, heo và chất thải đều được xả thẳng ra hồ Dầu Tiếng.
Tác hại rất lớn!
Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Phòng Quản lý nước và công trình Công ty Dầu Tiếng, cho biết chất lượng nước lòng hồ Dầu Tiếng đang có nguy cơ ngày càng xấu do bị chất thải từ các hoạt động sản xuất tấn công. Hiện ven hồ có rất nhiều nhà máy sơ chế mủ cao su, chế biến khoai mì xả nước thải vào lòng hồ. Bên cạnh đó, tình trạng nuôi cá bè, chăn nuôi heo ở những cù lao cũng xả nước thải trực tiếp ra hồ, nhất là khu vực thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, Bình Phước.
“Nếu không có biện pháp kịp thời, nguồn nước của hồ Dầu Tiếng sẽ đối mặt với nguy cơ bị ô nhiễm nặng, tác hại là rất lớn”- ông Lanh khẳng định. Còn ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Công ty Dầu Tiếng, lo lắng: “Trong tương lai, nguồn nước ở đây không chỉ để rửa mặn, phục vụ nông nghiệp mà còn có một nhiệm vụ đặc biệt khác là cấp nước sinh hoạt cho người dân TPHCM và các tỉnh lân cận. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời ngay từ bây giờ thì sau này sẽ khó khắc phục!”.
Bức xúc trước thực trạng trên, nhiều lần Công ty Dầu Tiếng đã có văn bản gửi sở Tài nguyên - Môi trường các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước đề nghị sớm chấn chỉnh, đồng thời có hình thức xử phạt thích đáng để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình và chất lượng môi trường nước hồ Dầu Tiếng nhưng vẫn không có kết quả. “Chúng tôi sẽ tiếp tục gửi văn bản, yêu cầu các tỉnh liên quan sớm chấn chỉnh, nếu không giải quyết triệt để, công ty sẽ tiếp tục kiến nghị lên cấp cao hơn!”- ông Dũng nói.
Sẽ trả giá đắt!
Theo GS-TSKH Nguyễn Ân Niên, nguyên chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, hồ Dầu Tiếng bị lấn chiếm với diện tích khá lớn đang ảnh hưởng nặng đến việc điều tiết nước của hồ, trong đó, quan trọng nhất là chứa nước mỗi khi có lũ, nguy cơ lũ tàn phá khu vực dân cư sống lân cận hồ và TPHCM sẽ cao hơn. Còn mùa khô sẽ không đủ nước để rửa mặn, cấp nước sinh hoạt cho người dân. Ngay từ bây giờ cần có biện pháp chấn chỉnh ngay, nếu không phải trả giá đắt.
|