Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Rác thải y tế chất thành đống !

(14:57:42 PM 13/10/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Nguồn tin Sở Y tế Thanh Hoá xác nhận, hiện toàn bộ hệ thống bệnh viện công từ tuyến tỉnh xuống tuyến huyện đều được trang bị lò đốt rác thải rắn. Song việc xử lý chất thải y tế vẫn còn nhiều bất cập.

Vận hành cầm chừng


 Tại Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực, ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch HĐQT Tổng Cty CP Hợp Lực - cho biết: Ngay từ năm 2003, khi đưa bệnh viện với quy mô 200 giường vào hoạt động, Cty đã đầu tư hệ thống xử lý chất thải y tế dạng lỏng với công suất 50m3/ngày đêm. Đến thời điểm hiện tại, bệnh viện nâng cấp công suất lên 500 giường nên công trình này được đầu tư đồng bộ với công nghệ của Nhật Bản. Trong khi, trên địa bàn tỉnh hiện có tới 21 bệnh viện, phòng khám tư nhân đã đi vào hoạt động. 

 Bệnh viện Đa khoa huyện Hoằng Hoá phải xây hố chôn rác thải, nhưng đã đầy ứ.        Ảnh: Anh Tuấn
Bệnh viện Đa khoa huyện Hoằng Hoá phải xây hố chôn rác thải, nhưng đã đầy ứ. Ảnh: Anh Tuấn

Ở khối bệnh viện công đã được trang bị lò đốt rác thải rắn và hệ thống xử lý thải lỏng, nhưng có nhiều đơn vị, hai loại công trình trên thường vận hành cầm chừng, thậm chí có nơi còn đóng cửa lò đốt, ngừng hoạt động. Chính ông Hoàng Sĩ Bình - GĐ Sở Y tế - đã thừa nhận: Qua kiểm tra đột xuất về việc xử lý rác thải ở tuyến bệnh viện huyện, Sở TNMT phát hiện tại Bệnh viện Đa khoa huyện Như Thanh và Đông Sơn có những vi phạm nghiêm trọng khi kiểm tra không vận hành; hầu hết ở các bệnh viện bị “soi” đều vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, xử lý chất thải, nước thải. 

Lò đốt rác thải rắn BV Như Thanh không đốt triệt để được đối với loại rác thải nguy hại. Hơn thế, khâu phân loại rác tại BV này không được quan tâm đúng mức, phương tiện thu gom rác thiếu, chưa đồng bộ. BV Đông Sơn được đầu tư xây dựng lò đốt rác thải và hệ thống xử lý chất thải lỏng công suất 300m3/ngày đêm. Song, phía BV lại nêu lý do: Tiền mua nhiên liệu, điện, lương y công vận hành máy... rất tốn kém, nên xử lý chất thải vẫn gặp nhiều khó khăn.

Bất cập

Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoằng Hoá, chúng tôi đã mục sở thị việc y công Hoàng Văn Long vận hành lò đốt rác thải rắn. Do lò đốt rác cũ kỹ, lạc hậu, để đốt rác triệt để và tiết kiệm dầu, ông Long nảy ra “sáng kiến”: Khi nào thấy khói phun ra ít hơn thì ông tắt máy, dùng xẻng đảo lại rác trong lò rồi đóng máy đốt tiếp. 

Theo ông Nguyễn Thanh Đông - Trưởng phòng Tổ chức hành chính Bệnh viện Hoằng Hoá - thì lò đốt rác này được trang bị từ năm 2002. Đến nay, lò liên tục hỏng hóc, đốt rác chỉ vón lại thành từng tảng rất nguy hiểm. Có một số loại chất thải như ống tiêm, máy không “tiêu hoá” nổi. Thành ra, hằng ngày bệnh viện phải phân loại ống tiêm riêng rồi đổ vào hố chôn được xây dựng kiên cố. Nhưng hiện nay, hố chôn này cũng gần đầy ắp, bệnh viện chưa biết tới đây sẽ xử lý loại chất thải rắn ra sao.

Trên địa bàn TP.Thanh Hoá còn phức tạp hơn, bởi ở đây tập trung nhiều bệnh viện lớn quy mô hàng trăm giường, lưu lượng bệnh nhân điều trị nội trú nhiều, nên nguồn rác thải rắn mỗi ngày lên đến 300-500kg. Nhưng toàn khối bệnh viện ở khu vực trung tâm đầu não của tỉnh chỉ duy nhất có một lò đốt rác đặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ông Trần Văn Lượng - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa - cho biết: Lò đốt MZ4, công nghệ của Áo này được Bộ Y tế trang bị cách đây khoảng gần 10 năm. Hiện lò đốt vẫn hoạt động bình thường, bệnh viện phân loại rác cẩn thận sau đó đưa đi đốt. Các bệnh viện đóng trong khu vực lân cận đều đưa rác thải rắn về đây đốt. Bất cập hiện nay là chúng ta chưa có xe lạnh để vận chuyển rác theo quy định. Do đó, chất thải nguy hại có thể bị rơi vãi trong quá trình chở từ bệnh viện đến lò, rất nguy hiểm đối với xã hội.

Theo số liệu của Sở Y tế cung cấp, toàn tỉnh hiện có 77 bệnh viện công lập và 21 bệnh viện tư nhân, phòng khám đa khoa với trên 7.000 giường bệnh. Bình quân mỗi ngày, gần 100 bệnh viện này thải 5 tấn chất thải rắn; trong đó có khoảng 1,5 tấn thuộc loại nguy hại cần được xử lý triệt để. Điều này cho thấy, vấn đề xử lý rác thải y tế trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đang đặt ra nhiều vấn đề cần được Sở Y tế, chính quyền cấp tỉnh quan tâm đưa ra quyết sách phù hợp.

Anh Tuấn (Lao động)