Kính viễn vọng không gian ROSAT. Ảnh: GAC. |
Dù vệ tinh UARS của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã may mắn lao xuống vùng biển phía Nam Thái Bình Dương và không gây ra bất cứ thiệt hại nào cả về người và của, tuy nhiên, theo dự báo, một khối rác vũ trụ khác sẽ lại lao xuống Trái đất vào cuối tháng 10 này.
Theo các nhà khoa học, khối rác vũ trụ này có tên là ROSAT, vốn là một kính viễn vọng không gian của Đức được phóng lên quỹ đạo Trái đất từ năm 1990. Tuy nhiên người ta đã mất liên lạc hoàn toàn với ROSAT vào năm 1999. Và tới nay thì nó sắp rơi trở lại tầng khí quyển của Trái đất.
Theo các nhà khoa học thuộc Trung tâm Không gian Vũ trụ Đức, dù ROSAT chỉ có trọng lượng khoảng 3 tấn, song sẽ có khoảng “30 mảnh vỡ với tổng trọng lượng 1,6 tấn có thể lao xuống bề mặt Trái đất”. Như vậy, nguy cơ thiệt hại mà kính viễn vọng không gian ROSAT gây ra có thể cao hơn rất nhiều so với vệ tinh UARS do khối lượng các mảnh vỡ của ROSAT lớn gấp 3 lần so với vệ tinh của NASA.
Các nhà khoa học cho rằng, sở dĩ có điều này là vì dàn gương chịu nhiệt được thiết kế đặc biệt của kính viễn vọng ROSAT có thể sẽ không bị đốt cháy khi xuyên qua tầng khí quyển Trái đất.
Theo tính toán, tỉ lệ thương vong mà ROSAT có thể gây ra cho con người trên Trái đất là 1/2000 cao hơn rất nhiều so với tỉ lệ 1/3200 của vệ tinh UARS của NASA.
Tuy nhiên, giáo sư Heiner Klinkrad, thuộc Cơ quan Vũ trụ châu Âu thì: “Trong lịch sử hơn 50 năm ngành vũ trụ vẫn chưa có bất cứ ai bị thương bởi các mảnh vụn vệ tinh rơi”.
Trả lời trên website chính thức của Cơ quan Vũ trụ Đức, ông Heiner Klinkrad khẳng định: “Không thể dự báo một cách chính xác về việc ROSAT sẽ rơi”. Theo giáo sư Klinkrad, người ta cũng không thể dự báo được vị trí chính xác mà ROSAT sẽ rơi cho tới trước khi nó lao xuống Trái đất từ một tới hai giờ.