Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Hoài nghi về số liệu rừng tự nhiên

(10:27:27 AM 12/10/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) - Sáng 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) xem xét báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng.

 

Rừng tự nhiên đang bị xâm hại - Ảnh minh họa

 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Đăng Khoa cho biết diện tích rừng năm 1998 hơn 10,4 triệu ha, đến năm 2010 tăng lên gần 13,4 triệu ha (trong đó rừng tự nhiên tăng từ 9,5 triệu ha lên 10,3 triệu ha), độ che phủ rừng từ 32% lên 39,5% (mục tiêu là 40%). Tổng nguồn vốn huy động cho dự án này lên đến gần 32 nghìn tỉ đồng.

 

 Tuy đánh giá cao kết quả dự án nhưng một số thành viên Ủy ban Thường vụ QH bày tỏ sự hoài nghi về số liệu rừng tự nhiên, đồng thời cảnh báo nếu không thay đổi cơ chế chính sách thì rừng sẽ tiếp tục bị mất.

 

“Tôi sống và làm việc lâu năm ở Tây nguyên, trước kia nhiều khu rừng rậm rạp, muốn đi vào rất khó khăn, bây giờ nhiều nơi đã không còn rừng. Thậm chí có nhiều nơi tôi mới giám sát năm 1999, đoạn đường từ Đắk Lắk đi Đắk Nông, lúc đó còn rừng nhưng bây giờ tôi đi thấy quang đãng lắm. Vậy mà bây giờ báo cáo nói là rừng tự nhiên tăng diện tích. Tăng ở đâu tôi không biết nhưng những nơi tôi biết, trong đó có Tây nguyên là trọng điểm rừng của cả nước, thì chỉ thấy rừng mất đi. Tôi hoài nghi về con số” - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nói. Ông Phước cũng cho rằng “về kinh tế rừng, điểm sáng chỉ là cá biệt. Nhiều tỉnh cho biết ngân sách chi cho quản lý bảo vệ rừng là thâm hụt, không có chuyện thu từ rừng đủ chi để quản lý, bảo vệ. Nhiều nơi dân không sống được từ rừng”.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Nguyễn Kim Khoa cho hay: “Đi khảo sát dọc tuyến biên giới, có thể khẳng định rừng tự nhiên ngày càng mất đi chứ không có chuyện mở rộng diện tích. Tôi đi từ Thanh Sơn (Phú Thọ) đến ngã ba Cò Nòi (Sơn La) hàng trăm kilômet mênh mông chỉ thấy còn cánh rừng Võ Nguyên Giáp, nhưng đó cũng là rừng không có lõi. Thủy lợi, thủy điện cũng làm mất rừng tự nhiên. Quy định làm thủy điện thì phải trồng lại rừng nhưng thực tế chưa anh nào trồng”.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: “Chỉ khi nào người dân thấy rừng đem lại cuộc sống cho người ta thì người ta mới bảo vệ. Không có dân thì chính quyền mạnh bao nhiêu cũng không đủ để bảo vệ rừng. Đối với rừng kinh tế phải thực hiện chính sách thị trường. Nếu cứ bao cấp không ngân sách nào kham được”.

 

Phúc đáp ý kiến của Ủy ban Thường vụ QH, Thứ trưởng Nguyễn Đăng Khoa hứa sẽ “tiếp thu đầy đủ” vào bản báo cáo và khẳng định “yên tâm về các số liệu”. Ông Khoa cũng kiến nghị “cấp quota nhiều hơn cho những doanh nghiệp có phương án khai thác bền vững rừng tự nhiên”. Ông Khoa còn nói Chính phủ đề nghị QH cho phép dừng dự án trồng mới 5 triệu ha rừng và chuyển qua kế hoạch bảo vệ phát triển rừng đến năm 2020 với mục tiêu nâng độ che phủ rừng trên toàn quốc lên 45%.

 

Phòng chống rửa tiền còn xa lạ với VN

 

Chiều 11-10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN Nguyễn Văn Bình trình dự án Luật phòng chống rửa tiền lên Ủy ban Thường vụ QH. Ông Bình nói: “Vấn đề chống rửa tiền là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, nhiều quy trình trong lĩnh vực này vẫn được coi là khá mới. Điều này không loại trừ một số tổ chức tín dụng nhận thức về công tác phòng chống rửa tiền còn những hạn chế nhất định”. Tờ trình của Chính phủ cũng nhận định các quy định hiện hành của VN chưa đáp ứng đầy đủ các chuẩn mực quốc tế, làm ảnh hưởng đến uy tín của VN, tạo tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức VN kinh doanh ở nước ngoài.

 

Đặc biệt, dự luật đưa ra quy định về việc kiểm soát thông tin và giám sát khách hàng với các cá nhân có ảnh hưởng chính trị. Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm cần cân nhắc kỹ lưỡng.

 

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp tục cân nhắc, bổ sung nội dung dự án luật trước khi trình QH. “Cái này khó, bản thân thực tiễn nước ta cũng không có gì ghê gớm về rửa tiền hoặc khủng bố, khủng bố thì các nước khác nhau cũng quan niệm khác nhau. Nhưng chúng ta đã ký công ước và cam kết xây dựng hệ thống pháp luật nên phải thực hiện” - ông Hùng nói.

 

Chiều cùng, ngày ông Nguyễn Văn Bình đã trình Ủy ban Thường vụ QH dự án Luật bảo hiểm tiền gửi. Nội dung đáng chú ý nhất của dự luật là quy định tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng VN của cá nhân, không bảo hiểm đối với tiền gửi bằng đồng ngoại tệ và các kim loại quý khác.

 

LÊ KIÊN (Tuổi trẻ)