Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cách tiếp cận nào cho cây trồng biến đổi gen tại Việt Nam ?

(18:57:29 PM 11/10/2011)
(Tin Môi Trường) - Cây trồng biến đổi gen (BĐG) hiện còn nhiều tranh cãi trong giới khoa học. Riêng đối với Việt Nam , một nước đang phát triển với tiềm lực khoa học còn thấp thì cách tiếp cận tiến bộ khoa học này cần phải được xem xét một cách thấu đáo, vừa phát huy được những ưu điểm vượt trội của cây trồng BĐG, lại vừa phòng ngừa được hiểm họa về môi trường, sức khỏe và kinh tế.

Ảnh minh họa


Ưu điểm và ẩn họa

Theo ông Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam: Cây trồng BĐG thực chất là cây trồng phổ biến có các đặc tính tốt và được bổ sung thêm một hoặc vài gen mã hóa cho protein giúp cho cây trồng có được đặc tính mong muốn có thể cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Cây trồng BĐG có khả năng kháng sâu bệnh cao làm giảm lượng thuốc trừ sâu, bệnh; kháng thuốc trừ cỏ làm tăng hiệu quả và giảm công lao động bằng tay; chống chịu điều kiện ngoại cảnh bất lợi như hạn, mặn, ngập úng, lạnh, nóng...; kéo dài thời gian bảo quản; tạo ra thực phẩm có giá trị y học như các vắc -xin ăn được trong cây trồng.

Đến nay, nhiều loại cây trồng BĐG đã được trồng trên diện rộng như đậu tương chống chịu thuốc diệt cỏ, có hàm lượng axit oleic cao; ngô chống chịu thuốc diệt cỏ, kháng sâu đục thân; khoai tây kháng virus, kháng sâu, giàu tinh bột; lúa chứa B-caroten ("gạo vàng") chống suy dinh dưỡng cho trẻ em...

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2010 là tròn 15 năm sau khi giống cây BĐG được trồng đầu tiên trên thế giới, đã có 29 nước trồng cây BĐG trên đồng ruộng, 59 nước sử dụng sản phẩm BĐG làm thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi, 30 nước khác cho phép sử dụng sản phẩm của giống cây trồng BĐG làm thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi. Ở châu Á, có 2 cường quốc nông nghiệp là Trung Quốc và Ấn Độ chủ trương tích cực ủng hộ giống cây trồng BĐG.

Bên cạnh những ưu điểm vượt trội, cây trồng BĐG tiềm ẩn nhiều hiểm họa. Những mối quan tâm về công nghệ BĐG tập trung vào các vấn đề môi trường, sức khỏe và kinh tế. Người ta lo ngại rằng công nghệ BĐG có thể làm tổn hại đến những sinh vật không sử dụng công nghệ BĐG, làm giảm tác dụng của các thuốc trừ dịch hại, có thể lai chéo với các giống, loài không có mục đích BĐG…, làm mai một các giống loài truyền thống, ảnh hưởng tới đa dạng sinh học, môi trường sống của sinh vật trên trái đất, kể cả con người.


Thực phẩm BĐG có thể gây dị ứng và nhiều hệ lụy khác. Hiện nay, tuy chưa có bằng chứng về những tác hại của thực phẩm BĐG đối với sức khỏe con người nhưng cũng chưa có bằng chứng đảm bảo là thực phẩm BĐG không gây ra những tác động tiêu cực cho sức khỏe con người, đặc biệt là về lâu dài.
Về mặt kinh tế, từ lúc nghiên cứu đến khi đưa được sản phẩm BĐG ra thị trường mất nhiều tiền và thời gian nên các công ty giống cây trồng đòi hỏi phải bảo hộ phát minh của họ, làm cho giá giống cây trồng tăng lên, gây khó khăn cho nông dân các nước nghèo và đang phát triển. Việc áp dụng đại trà các giống cây trồng BĐG sẽ thu hẹp và làm mất dần nguồn gen bản địa, tăng tính lệ thuộc của người nông dân vào các công ty sản xuất giống này. Nhiều người còn nghi ngại rằng “gen lạ” đưa vào cây trồng có thể sản sinh ra protein lạ gây dị ứng và có thể gây tác hại lâu dài đến sức khỏe, thậm chí kể cả duy trì nòi giống của người tiêu dùng.

Thận trọng và có lộ trình

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổng hợp ý kiến của nhiều nhà khoa học về định hướng và các giải pháp phát triển cây trồng BĐG. Theo đó, ý kiến chung là công nghệ BĐG có nhiều ưu điểm cần khai thác, một kỹ thuật hứa hẹn cho tương lai không nên bỏ qua. Việc nghiên cứu triển khai công nghệ này cần phải thận trọng và có lộ trình thích hợp, đặc biệt trong bối cảnh nền nông nghiệp của Việt Nam ruộng đất ít, sản xuất nhỏ và đang xuất khẩu lượng lớn nông sản.
 

Việt Nam vẫn là một nước nông nghiệp, dựa vào sản xuất nông nghiệp để bảo đảm an ninh lương thực và ổn định xã hội. Năng suất cây trồng tăng lên đáng kể nhờ vào các tiến bộ khoa học được áp dụng trên đồng ruộng nên không nhất thiết phải áp dụng ngay các tiến bộ về công nghệ chuyển gen.


Trong khoảng 3 năm tới, Việt Nam chưa thể đưa cây ngô BĐG trồng phổ biến vì nước ta đã có những giống ngô cho năng suất cao, trong khi ngô BĐG mới chỉ được khảo nghiệm, chưa có nghiên cứu về tác động môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe.
 

Cuối năm 2011, một số văn bản sẽ được ban hành như Thông tư hướng dẫn các hoạt động nghiên cứu sinh vật BĐG, sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc từ sinh vật BĐG; Đăng ký công nhận các phòng thí nghiệm được thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu sinh vật BĐG, sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc từ sinh vật BĐG.


Trong khi công nghệ BĐG còn đang tranh cãi, Việt Nam vẫn nghiên cứu cây trồng BĐG để sẵn sàng triển khai khi có những biến chuyển tích cực, các nhà khoa học đã có kết luận thích đáng, những thị trường xuất khẩu quan trọng và đông đảo người tiêu dùng chấp nhận sản phẩm BĐG. Trong đó, các loại cây phi lương thực như bông nên được nghiên cứu trước vì ít gây rủi ro về sức khỏe đối với người tiêu dùng.

Minh Nguyệt