Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Các tỉnh ĐBSCL: nước lũ tràn vào bãi rác

(18:27:02 PM 11/10/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Hai tuần qua, lũ tràn về các tỉnh ĐBSCL gây ngập nhiều bãi rác lộ thiên ở An Giang, Đồng Tháp. Rác trôi lềnh bềnh trong các khu dân cư. Nước rỉ rác đen ngòm chảy khắp nơi trong vùng lũ.

 

Bãi rác ở xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng (Long An) ngập trong nước lũ (ảnh chụp ngày 10-10) - Ảnh: V.Tr.
 
Rất nhiều người dân vùng lũ hằng ngày phải sống chung với rác, ruồi nhặng và sử dụng nước ô nhiễm từ những bãi rác bị ngập.
 
Không dám tắm
 
Ngày 10/10, chúng tôi đến khu vực bãi rác Phú Thọ ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp). Lúc này nước lũ đã ngập bãi rác rộng 3ha khiến nước rỉ rác đen ngòm loang ra khỏi bãi rác hàng trăm mét, rồi hòa vào nước lũ chảy đi khắp nơi. Rác trôi lềnh bềnh trên mặt nước. Bà Nguyễn Thị Ngọc Lệ (nhà gần bãi rác) xắn quần lội bì bõm trong nước lũ vớt túi nilông bán ve chai. Bà Lệ cho biết nước lũ tràn vào bãi rác từ 10 ngày qua khiến xe chở rác không thể vào bãi lấy rác được, những người nhặt ve chai ở bãi rác này cũng tạm nghỉ.
 
Ông Ca Quốc Khánh, phó trưởng Phòng tài nguyên - môi trường huyện Tam Nông, cho biết bãi rác này có từ năm 2001. Đầu năm nay huyện đã có kế hoạch gia cố, nâng cấp bãi rác nhưng do đơn vị thi công không tìm được đất để đắp bờ bao nên giờ đây bãi rác bị ngập trong lũ. “Nước ô nhiễm từ bãi rác chảy tràn ra ngoài là không tránh khỏi. Nhưng chúng tôi sợ nhất là khi lũ rút, nước rỉ rác theo nước lũ phát tán khắp nơi gây khó khăn cho sản xuất của người dân” - ông Khánh nói.
 
Bãi rác Thanh Bình ở xã Tân Phú, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) cũng bị nước lũ tràn vào. Chiếc xe ủi san lấp rác thường ngày nay bị mắc lầy không hoạt động được. Ruồi bu đen hàng trăm tấn rác cao hơn đầu người. Đứng tại khu dân cư cách bãi rác hơn 50m, chúng tôi còn nghe tiếng ruồi vo ve. Nước rỉ rác hòa với nước lũ loang ra xung quanh bãi rác đen kịt, bốc mùi tanh không chịu nổi.
 
Ông Lê Văn Biểu, nhà ở gần bãi rác Thanh Bình, cho biết mỗi lần dọn mâm cơm lên là ruồi bu đen. Ông phải mở quạt máy hết công suất xua ruồi để ăn cơm. “Khổ nhất là nước lũ ngập bờ bao, nước từ trong bãi rác tràn ra ngoài khu dân cư, không ai dám múc nước tắm giặt gì cả. Nước uống phải mua với giá 8.000 đồng/bình” - ông Biểu nói.
 
Tại An Giang, mấy ngày qua mưa lũ khiến hơn 30 bãi rác khu vực nông thôn của tỉnh này bị ảnh hưởng nhưng chưa bị ngập như ở Đồng Tháp. Ông Lê Thành Hùng, trưởng Phòng tài nguyên - môi trường huyện An Phú, cho biết bãi rác ở thị trấn rộng 6.000m2, mỗi ngày tiếp nhận và chôn lấp trên 7 tấn rác. Để phòng ngừa tình trạng rác bị nước lũ dâng cao cuốn đi, huyện phải dùng lưới bao quanh ngăn không cho rác trôi theo lũ.
 
Phải xử lý nước bằng Chloramine B
 
Ông Võ Văn Lái, phó trưởng ấp Tân Hòa B, xã Tân Phú, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp), than phiền nước lũ tràn vào bãi rác gây ô nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe của người dân nhưng chưa được ngành y tế địa phương cung cấp Chloramine B để xử lý nước. Ngành y tế cũng chưa hướng dẫn, cấp thuốc trị bệnh ngoài da cho người dân sử dụng nguồn nước ô nhiễm.
 
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Ấn, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Tháp, cho biết mỗi mùa lũ ngành y tế đều cấp thuốc Chloramine B xuống tận các ấp để người dân khử trùng lọc nước uống. Riêng những vùng xung quanh bãi rác bị nước lũ tràn vào, theo bác sĩ Ẩn, người dân phải tránh dùng nước để nấu ăn, uống vì nếu sử dụng nước ô nhiễm này sẽ bị bệnh về đường ruột.
 
“Vấn đề này ngành y tế xã phải báo lên huyện để huyện báo lại cho trung tâm y tế dự phòng. Đến giờ tôi chưa nghe ai báo cả nên sẽ cho kiểm tra lại” - ông Ẩn nói.
 
Theo bác sĩ Phan Kim Hoàng - phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng An Giang, nước lũ ngập bãi rác chắc chắn gây ô nhiễm và mầm bệnh. Ngành y tế An Giang vừa đi khảo sát tình trạng ô nhiễm trong mùa lũ ở các huyện, trong đó có huyện An Phú. Ngành y tế đã chỉ đạo y tế địa phương vận động người dân sử dụng nước máy trong mọi sinh hoạt.
 
Nơi nào không có nước máy, phải sử dụng nước trong vùng lũ thì phải lắng phèn, sau đó khử trùng bằng Chloramine B. Hiện ngành y tế đã phát Chloramine B về cho cho dân (mỗi viên Chloramine B có thể khử trùng 25 lít nước).
Q.VINH - T.TÚ (Tuổi trẻ)