Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bình Định: Chảy máu tài nguyên

(12:26:35 PM 11/10/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy chế biến titan hiện hữu tại Bình Định là 160.000 tấn/năm trong khi công suất khai thác lên tới hơn 600.000 tấn, chưa tính nguồn cung trôi nổi. Số còn lại đi đâu?

Câu trả lời dường như ai cũng biết, song “bắt được tay, day được cánh” lại là câu chuyện trần ai.

 

5 năm, gần 1 triệu tấn quặng titan xuất lậu
 
Như tin đã đưa , ngày 14.5.2011, Cơ quan CSĐT (Bộ Công an) bắt tạm giam Lê Văn Chiến - Giám đốc Cty TNHH đầu tư - xuất nhập khẩu Trung Việt, có trụ sở tại phường Nhơn Bình, TP.Quy Nhơn về hành vi buôn lậu. Ông Chiến - nguyên cán bộ Cục Hải quan Bình Định, những năm 2009 - 2010, thuê 3 DN ký hợp đồng mua 75.000 tấn quặng titan, thay vì tiêu thụ nội địa như giấy phép, đã huy động 29 chuyến tàu, vận chuyển thẳng lô hàng trên sang Trung Quốc.
Cũng tháng 5, trên vùng biển tỉnh Quảng Nam, Cảnh sát biển vùng 3 bắt giữ tàu Hương Điền 09 vận chuyển 1.841 tấn quặng titan không rõ nguồn gốc. Con tàu xuất phát từ cảng Thị Nại, trực chỉ Trung Quốc, còn chủ hàng là ông N.X.H có hộ khẩu thường trú trên đường Tăng Bạt Hổ, Quy Nhơn. Tháng 3.2011, TAND TP.Hải Phòng tuyên phạt một nhóm 5 bị cáo mức án 45 năm tù về tội buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Vụ việc liên quan đến 3.000 tấn titan có hàm lượng Tio2 dưới 48%, tức mặt hàng bị cấm xuất khẩu, đã từ Quy Nhơn đi Khâm Châu (Trung Quốc) bằng bộ hồ sơ vận chuyển tới Quảng Ninh.
 
Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Định Nguyễn Văn Thắng dẫn số liệu từ cơ quan công an: Từ 2006 đến 2011, gần 1 triệu tấn titan thô đã tuôn chảy ra ngoài, chủ yếu là Trung Quốc.
 
Một điểm khoan hút titan dừng khai thác.    Ảnh: X.N
Một điểm khoan hút titan dừng khai thác. Ảnh: X.N

 
“Xuất lậu titan cho lợi nhuận khổng lồ nên một số DN bất chấp” - ông Thắng nói rồi nêu “thông tin chưa kiểm chứng” về khoản “chi phí cơ hội” từ 70 đến 150 triệu đồng mà các chủ hàng sẵn sàng chi trả cho một chuyến tàu từ 1.000 - 3.000 tấn rời bến. Nhà nước cấm xuất bán titan thô ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Sản phẩm titan hàm lượng dưới 52% rời cảng chỉ có thể bằng hợp đồng tiêu thụ nội địa. “Nhưng - ông Thắng phân tích - phía bắc không có cơ sở chế biến titan, hàng đi ra đó, phần chắc là tìm đường sang Trung Quốc”.
 
Không thể kiểm soát?
 
Cuộc chiến chống buôn lậu titan không dễ dàng, suôn sẻ. Cách đây không lâu, Công an Bình Định từng cử điều tra viên ra Quảng Ninh, song rốt cuộc đã phải về không. Nhiều vụ vận chuyển, buôn bán titan trái phép được phát hiện, xử lý ngoài địa phận Bình Định hoặc do cơ quan điều tra cấp trên. Ngay với ngành công thương, việc nhập cuộc cũng chưa mấy hiệu quả.
 
Đổ xô đào bới titan tại huyện Phù Cát (Bình Định).    Ảnh: X.N
Đổ xô đào bới titan tại huyện Phù Cát (Bình Định). Ảnh: X.N
 
Phó Giám đốc Nguyễn Văn Thắng cho biết: Mỗi năm có 1 – 2 đợt kiểm tra liên ngành nhưng nhân sự mỏng, không đủ khả năng quán xuyến mọi ngóc ngách. Vẫn lời ông Thắng, trước đây, UBND tỉnh Bình Định chủ trương thay đổi điều kiện cấp phép khai thác titan theo hướng bắt buộc cung ứng nguyên liệu thô cho các cơ sở chế biến trên địa bàn. Không chỉ với dự án mới, ngay những giấy phép cũ cũng phải thu hồi, điều chỉnh. Bên cạnh hiệu quả kinh tế, đây là công cụ hữu hiệu giúp khai tử những ngả đường rong ruổi của titan thô. Chúng tôi nêu thắc mắc vì sao chỉ đạo của tỉnh chậm thực hiện, Giám đốc Sở TNMT Trần Thái Nga giải đáp lý do ở lệnh tạm dừng cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ 30.8.2011 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy vậy, không hiểu sao chủ trương tích cực này lại không được thực hiện với những giấy phép đã cấp, đang có hiệu lực(!?). Và thực tế, một lượng quặng titan “dôi dư” không nhỏ vẫn dời Bình Định hướng lên phía bắc, trong khi ở các địa phương phía bắc không có nhà máy chế biến titan nào.
 
Trở lại câu chuyện hậu kiểm, việc giám sát đường đi nước bước của những con tàu lênh đênh trên biển gần như là không tưởng. Thay vào đó, nên siết chặt đầu đi và nơi những chuyến hàng phải đến (theo khai báo). Quy trình này có vẻ như đang bị thả lỏng. Một cán bộ thương vụ một cảng hàng hóa nói: Titan thô là mặt hàng được phép buôn bán trong nước, nên “chỉ cần hợp đồng vận chuyển, hợp đồng tiêu thụ nội địa là đủ”. Ít nhiều, sự thông thoáng trên đã vô hiệu hóa quy định của UBND tỉnh vốn được ban hành như điều kiện ngăn ngừa thất thoát tài nguyên. Chẳng hạn, một bộ hồ sơ lưu thông nội địa phải có hợp đồng mua bán, hợp đồng vận chuyển, giấy phép đăng ký kinh doanh liên quan đến titan, hóa đơn mua hàng...
 
Lý lẽ của cảng là: Không có thẩm quyền yêu cầu chủ hàng xuất trình tất cả chứng từ. Tuy vậy, theo những người làm nghề xuất nhập cảng thì vấn đề này không phải là không thể giải quyết:  “Chỉ cần đối chiếu chứng từ đầu đi với hồ sơ làm hàng ở cảng đến là thật giả biết liền!”.    
 
Xuân Nhàn
(Lao động)