Theo thống kê sơ bộ của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng & môi trường (Bộ Y tế) thì hiện cả nước đã trang bị tới 490 lò đốt rác y tế. Thế nhưng lại chỉ có khoảng 276 lò đốt đang hoạt động ở dạng cầm chừng. Số còn lại coi như... “đắp chiếu”.
Mối nguy hại
Có thể nói là ai cũng có thể biết rằng rác thải y tế là một mối nguy hại không chỉ cho con người mà còn cho cả môi trường. Lượng rác thải này không chỉ là bông băng, chai nhựa mà còn cả kim tiêm, lọ thủy tinh và đặc biệt là những loại rác bệnh phẩm chứa vius, vi khuẩn ở dạng mầm bệnh... Chính vì thế mà yêu cầu thiêu hủy rác thải y tế, hoặc chí ít là cả một quy trình xử lý rác thải bài bản, khoa học và tuyệt đối an toàn là yêu cầu đặt ra đối với quy định xử lý rác thải y tế.
|
40 tấn rác thải y tế độc hại thải ra mỗi ngày, nhưng chưa được xử lý triệt để. Ảnh: Q.D |
Tuy nhiên hệ thống BV của VN lại đang đứng trước nguy cơ là do thiếu tiền đầu tư thiết bị, thiếu nhân lực đủ trình độ vận hành lò đốt, thiếu kinh phí để vận hành lò đốt... thế nên không ít BV buộc phải xử lý chất thải y tế một cách qua loa rồi xả ra môi trường.
Theo đại diện Bộ Y tế thì hiện cả nước có 490 lò đốt rác y tế. Tuy nhiên trong số này chỉ có 276 lò đang hoạt động. Thế nhưng ngay cả với hệ thống lò đốt này thì nhiều lò đốt không có hệ thống xử lý khí thải, nên không thể kiểm soát được các khí độc hại như dioxin, furan. Do đó nguy cơ gây ô nhiễm thứ cấp từ khói thải cũng là rất cao.
Đối với loại rác thải y tế không được xử lý thì mối nguy hại còn to lớn hơn nhiều. Hiện nay phần lớn bệnh viện huyện và một phần bệnh viện tỉnh vẫn còn dùng biện pháp chôn lấp chất thải nguy hại. Các bác sĩ cho rằng khó có thể nói rằng mầm bệnh không lan truyền, phát tán trong cộng đồng.
Đâu là nguyên nhân?
Để trả lời câu hỏi này là hoàn toàn không khó. Theo phản ánh của hệ thống BV thì hầu hết các BV đều thiếu tiền trang bị lò đốt rác thải y tế. Đại diện các BV cho biết mỗi lò đốt rác thải y tế bây giờ có giá khá cao. Đây là số tiền không nhỏ để có thể dễ dàng đầu tư. Thế nhưng ngay cả đối với những BV đã có tiền đầu tư lò đốt thì không phải BV nào cũng có nhân lực đủ trình độ vận hành.
|
Toàn bộ hệ thống bệnh viện ở Thanh Hoá chỉ có lò đốt rác MZ4 này, quá trình vận chuyển rác không có xe lạnh. Ảnh: ANH TUẤN |
Tuy nhiên, cái khó nhất của các BV không hẳn nằm ở nguồn kinh phí đầu tư, hay nhân lực vận hành mà mấu chốt là chi phí cho việc đốt rác thải y tế quá lớn mà BV không kham nổi. Theo tính toán của các BV thì hiện nay, 1kg dầu cho ra để đốt rác thải y tế có giá khoảng 20.000 đồng. Để đốt hết 1kg chất thải y tế độc hại, có khi các BV phải tốn tới 4kg dầu - tương ứng với khoảng 80.000 đồng.
Chính từ những bất cập này mà tình trạng “gần nửa số lượng lò đốt rác đã được trang bị đành... đắp chiếu”. Và để xử lý số lượng rác thải y tế đầy nguy hại này, hệ thống BV gần như không có cách nào khác là thuê xử lý hoặc tự chôn lấp. Tính toán sơ bộ thì hiện toàn tuyến y tế cấp tỉnh có tới trên 61% cơ sở y tế thuê xử lý; 6,4% sử dụng lò đốt 1 buồng và 9% cơ sở tự đốt hoặc chôn lấp. Ở cấp huyện tỉ lệ này còn đáng ngại hơn nhiều - trên 24% cơ sở thuê xử lý, 17% tự đốt và gần 20% chôn lấp.
Số đông BV cho rằng với số vốn đầu tư lò đốt không nhỏ, lượng kinh phí cho xử lý rác thải là rất lớn nên tự thân BV khó kham nổi khi mà nguồn tiền không đủ bù đắp. Điều này đang đặt ra thách thức không nhỏ đối với các BV. Phóng viên Lao Động ghi nhận thực tế tại một số địa phương cho thấy cái khó vẫn bó hệ thống BV.
Hải Nam