Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Phạt và phạt...
Ông Phạm Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM cho rằng, trong những năm qua nhiều KCN-KCX đã đưa vào vận hành các nhà máy xử lý nước thải tương đối tốt là do các cơ quan ban ngành liên tục kiểm tra giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên, trong những đợt đi thực tế vừa qua, người dân sống gần các KCN-KCX, vẫn bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường như nước thải, khói bụi, tiếng ồn, mùi thuốc nhuộm, thuốc trừ sâu... mà KCN, tiểu thủ công nghiệp thải ra.
Cụ thể, tại cống số 6, số 8, kênh B và kênh 9 nguồn nước thải từ KCN Lê Minh Xuân đổ ra môi trường có màu nâu đen, sủi bọt và bốc mùi hôi thối. Tương tự, người dân sống quanh KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) và Vĩnh Lộc (quận Bình Tân), Tân Phú Trung (huyện Củ Chi), phải hứng chịu cảnh ô nhiễm do các nhà máy thải ra.
Đơn cử, Công ty Hào Dương đã từng xả thải ra môi trường khiến dư luận báo chí lên tiếng cuối năm 2009. Đến nay, tình trạng ô nhiễm vẫn không được cải thiện. Người dân ở xã Hiệp Phước, Long Thới liên tục kêu cứu vì ô nhiễm môi trường. Trường hợp khác, ở Công ty TNHH Huynh đệ thuộc da Hưng Thái (trong KCN Vĩnh Lộc), năm 2010 cũng liên tục bị người dân phản ánh về mùi hôi thối.
Một điều dễ nhìn thấy tại một số KCN, KCX là hiện nay vẫn xảy ra tình trạng doanh nghiệp (DN) xả thải ra môi trường. Người dân sống xung quanh các KCN thiệt hại về kinh tế và mắc bệnh tật khó lường. Một con số đau lòng tại Khu đô thị cảng Hiệp Phước với quy mô hơn 3.911ha ở huyện Nhà Bè có hơn 70 DN hoạt động trong KCN Hiệp Phước này đều là các DN sản xuất các mặt hàng như xi mạ, thuộc da, hóa chất, vật liệu xây dựng… nên nguy cơ gây ô nhiễm là rất cao. KCN Hiệp Phước có nhà máy xử lý nước xử lý được khoảng 3.000m³ cho hơn 70 DN nhưng riêng Công ty Hào Dương chạy đúng công suất đã thải ra 2.500m³ . Nhà máy chỉ còn 500m³ công suất làm sao xử lý cho khoảng 70 DN trên. Như vậy việc xả thẳng chất thải ra môi trường là đương nhiên. KCN Tân Phú Trung có 44 DN thì hết 40 DN vi phạm. Đó là chưa kể hiện nay KCN này chưa có giấy phép xả thải trực tiếp ra môi trường.
Giám sát nghiêm quy trình xả thải
Đại diện Sở TN-MT, Ban Quản lý các KCX - KCN TPHCM (Hepza) nhận định, hiện nay các DN trong các KCN đã đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung và thời gian qua, lượng nước thải sau xử lý ở các KCN đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, 3 KCN Lê Minh Xuân, Tân Tạo, Hiệp Phước phải thường xuyên theo dõi ô nhiễm nước thải, khói bụi…
Nhiều ý kiến cho rằng, KCN nào cũng có nhà máy xử lý nước thải, tuy nhiên nhiều DN vẫn lén lút thải ra ngoài. Như vậy cần xét lại việc đấu nối, xử lý nước thải ở KCN đã thật sự nghiêm túc chưa. Lý giải điều này, đại diện Hepza nhận định, không loại trừ khả năng có DN đã lén lút xả thải không qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay KCN Lê Minh Xuân đã nhiều lần xin cấp phép xả thải nhưng cơ quan cấp phép chưa giải quyết vì nước thải sau xử lý ở KCN này vẫn không đạt chuẩn theo quy định. Điều này phần nào lý giải về nguyên nhân ô nhiễm nguồn nước mà người dân đã phản ánh.
Bên cạnh đó, sự manh mún, nhỏ lẻ của các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gần như là căn nguyên gây ô nhiễm. Với tình hình như vậy, việc xử lý ô nhiễm môi trường tại khu vực trên phải thấu tình đạt lý. Cần phải đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết và khắc phục ngay hậu quả chứ không thể phát triển kinh tế bằng mọi giá. Thực tế hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường như nước thải, khói bụi, tiếng ồn, mùi thuốc nhuộm, thuốc trừ sâu... mà KCN, tiểu thủ công nghiệp thải ra vẫn còn. Một nguyên nhân sâu xa mà ô nhiễm vẫn cứ tái diễn là do năng lực quản lý còn hạn chế, mặc dù nhiều nơi đã bị phạt nhiều lần. Hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, xử phạt chưa nghiêm, cấp phép tràn lan…
Để quản lý chặt chẽ hơn, ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM kiến nghị Bộ TN-MT có ý kiến về quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ môi trường giữa các ngành nhằm hạn chế tình trạng chồng chéo, ảnh hưởng đến hoạt động của DN.
Ông Phạm Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM cho rằng, để giải quyết căn cơ vấn đề ô nhiễm không riêng gì các ngành chức năng mà cần sự tham gia tích cực của toàn xã hội. Xử lý thật nghiêm các cơ sở sản xuất vi phạm quy định về môi trường và thường xuyên kiểm tra vấn đề môi trường xung quanh KCN. Tạo vành đai xanh cho các KCN và sớm đầu tư hệ thống xử lý chất thải rắn, lỏng, các chất độc hại. Cần sửa đổi, bổ sung các quy định về pháp luật, cụ thể hóa việc xử lý ô nhiễm. Đây chính là thực hiện việc đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX về Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2011 - 2015 được UBND TPHCM cụ thể bằng Quyết định số 27/2011/QĐ-UBND, vào cuộc sống.
QUỐC HÙNG (SGGP)
|