Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Quy trình ngược
Năm 2008, dự án xử lý nix thải được cấp phép. Thời điểm này, dự án đưa ra công nghệ hoàn nguyên. Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CPKS-LK Hà Nội, nhà máy xử lý chất thải nix sử dụng công nghệ hoàn nguyên, một công nghệ phổ biến trên thế giới nhưng chưa được ứng dụng để xử lý chất thải nix. Với sự hỗ trợ của các nhà khoa học, công ty đã nghiên cứu thử nghiệm thành công công nghệ này để xử lý chất thải nix. Bộ Tài nguyên - Môi trường đã kiểm tra, đánh giá, công nhận và đồng ý cho triển khai ứng dụng. Dây chuyền công nghệ được nhập từ Trung Quốc và được cải tiến phù hợp với nhu cầu xử lý chất thải nix...
Người dân không dám uống nước giếng vì núi nix ở ngay bên cạnh. |
Theo quy định, những dự án sử dụng công nghệ xử lý chất thải nix, nhất thiết phải có cơ quan chức năng thẩm định. Tuy nhiên, dự án xử lý nix thải đã bỏ qua khâu này. Được biết, cho đến thời điểm này, cơ quan thẩm định, giám định công nghệ (Bộ KH-CN), cũng như Sở KH-CN Khánh Hòa đều chưa thẩm định công nghệ của dự án.
Như vậy, dự án xử lý nix đã được cấp phép xây dựng khi chưa thẩm định là sai nguyên tắc. Còn nay, nếu đã cấp phép rồi mới hỏi ý kiến cơ quan thẩm định là ngược quy trình. Hơn thế, dự án xử lý nix thải được cấp phép cách đây 4 năm, ban đầu dự án được coi là khả thi vì đã có thẩm định của một đơn vị, cụ thể là Công ty Bách Khoa.
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Sinh Trường, Giám đốc Công ty Bách Khoa (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - đơn vị thẩm định công nghệ xử lý nix thải theo yêu cầu của Công ty CPKS-LK Hà Nội) cho biết: “Hồ sơ thẩm định công nghệ xử lý nix thải này được chủ dự án gửi cách đây mấy năm rồi, nhưng đầu năm nay (2011), chúng tôi mới tiến hành giám định. Theo tôi, công nghệ này có thể chấp nhận được, vì đã có một số công trình làm thử ở Côn Minh (Trung Quốc)...”.
Dư luận hoài nghi
Vấn đề xử lý nix thải (khoảng 1 triệu tấn do Nhà máy đóng tàu Hyundai Vinashin thải ra) đang là mối quan tâm không chỉ của Khánh Hòa. Tuy nhiên, 4 năm trôi qua, dự án vẫn trùm mền, khiến người ta nghi ngờ tính khả thi của nó. Câu hỏi là: vì sao dự án được phê duyệt dễ dàng, nhưng không triển khai được? Phải chăng mục đích của dự án này chỉ nhằm vay vốn ưu đãi từ ngân hàng, hay để trấn an dư luận trước áp lực xử lý đống nix thải khổng lồ bị lên án kịch liệt cả chục năm qua?
Bình luận về tính khả thi của dự án xử lý nix thải, PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường phân tích: Về lý thuyết, dự án có thể làm được, nhưng với số vốn 1.500 tỷ đồng đầu tư chỉ để xử lý gần 1 triệu tấn nix hiện có. Rồi sau đó, nhà máy lấy gì hoạt động? Cách tốt nhất để xử lý nix thải là đổ thành từng khối bê tông, sau đó đem sử dụng làm kè chắn sóng. Vì hiện nay sạt lở bờ biển, bờ sông đang là vấn đề quan tâm của toàn xã hội.
4 năm nay, dự án vẫn “trùm mền”, và cách triển khai dự án càng khiến dư luận hoài nghi. Nếu dự án được vay vốn ưu đãi sau khi có thẩm định, ai dám chắc sẽ thành công khi công nghệ lần đầu tiên được thử nghiệm. Và số tiền (nếu được vay) khoảng 1.000 tỷ đồng từ một ngân hàng đổ vào dự án liệu có thu hồi được?
Văn Ngọc
(SGGP)