Chị Hoàng Anh ở Hà Nội đã đặt mua một vé máy bay chiều đi TP.HCM - Hà Nội trên một trang mạng bán vé máy bay có địa chỉ
http://hangkhong24h.com/ index.php và được gửi một vé điện tử qua e-mail, với thông báo chỉ cần in vé này ra sân bay làm thủ tục. Nhưng khi ra sân bay làm thủ tục, nhân viên hàng không cho biết vé của chị Hoàng Anh không có thông tin trên hệ thống, không bay được. Cuối cùng, chị Hoàng Anh buộc phải mua vé khác tại sân bay và phải mất hơn 4 tiếng đồng hồ sau mới được bay.
Trường hợp của chị Hoàng Anh, Vietnam Airlines (VNA) xác định website
http://hangkhong24h.com/ index.php không phải của VNA, đồng thời hãng cũng không bán vé máy bay qua website này. Với chiếc vé điện tử mà chị Hoàng Anh đã cung cấp cho VNA khi phản ánh vụ việc, bà Ngô Thị Thu Hiền, Tổ trưởng Tổ Thông tin phản hồi - Văn phòng khu vực miền Nam của VNA khẳng định các thông tin trên mặt vé này là không có thật và hoàn toàn khác với các tiêu chuẩn biểu mẫu vé điện tử của VNA.
Một trường hợp khác, anh Hải ở Q.9, TP.HCM đã gửi thư khiếu nại đến VNA về những phiền toái mà anh đã gặp phải khi mua vé máy bay tại một đại lý bán vé ở Q.7. Trong thư anh nêu đã mua 2 cặp vé khứ hồi Hà Nội - TP.HCM và Quy Nhơn - Hà Nội, với tổng số tiền đã trả cho đại lý là 7.890.000 đồng. Nhưng vì lý do cá nhân, anh không sử dụng các vé này nữa và đã liên hệ với đại lý để làm thủ tục trả vé. Sau khi liên hệ, đại lý này thông báo với anh Hải rằng vé của anh mua chỉ được hoàn chặng Hà Nội - TP.HCM (mất 15% phí), còn chặng Quy Nhơn - Hà Nội thì không thể hoàn được. Anh Hải có nêu thắc mắc về mức phí hoàn vé 15% cho chặng Hà Nội - TP.HCM thì đại lý nói đó là quy định của hãng VNA. Trong khi đó, anh gọi điện hỏi tổng đài của hãng thì vé của anh xuất trước ngày 1.10.2011 nên mức phí hoàn vé chỉ là 10%.
Ngoài phí hoàn vé như trên, anh Hải còn thắc mắc về mức chênh lệch giữa giá vé của hãng và giá thu của đại lý. Sau khi xác minh, VNA cho biết đại lý mà anh Hải đã mua vé không phải là đại lý chính thức của hãng. Đại lý này đã liên hệ với một đại lý chính thức của VNA ở Q.1 với tư cách là người mua để mua 4 vé với đúng giá vé của hãng và bán lại cho anh Hải.
Theo quy định của VNA, đại lý xuất vé phải cam kết chấm dứt giao dịch với người mua trung gian. Trường hợp đại lý vi phạm cam kết sẽ áp dụng mức phạt ngừng truy cập hệ thống hoặc chấm dứt hợp đồng đại lý. Sau sự việc xảy ra với anh Hải, đại lý chính thức của VNA ở Q.1 đã cam kết chấm dứt giao dịch với đại lý "dỏm" ở Q.7 mà anh Hải đã mua vé.
Tránh phiền toái
Để tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc khi mua vé qua các cấp trung gian, bà Ngô Thị Thu Hiền đề nghị khách hàng nên liên hệ mua vé tại các phòng vé của VNA hoặc tại các đại lý chính thức. Dấu hiệu để nhận biết đại lý chính thức của hãng đó là giấy chứng nhận đại lý chính thức, hiện đã được treo tại các đại lý của VNA ở khu vực miền Nam. Đây là tiêu chí chuẩn nhất để nhận biết đại lý chính thức của hãng. Trên giấy chứng nhận, địa chỉ của đại lý phải trùng khớp với địa chỉ bên ngoài phòng vé. Bên cạnh đó, dấu hiệu nhận biết khác là bảng hiệu đại lý chính thức được chuẩn hóa theo mẫu và được treo tại các đại lý chính thức.
Hãng Jetstar Pacific cũng khuyến cáo hành khách không nên mua vé ở những điểm bán vé không rõ ràng để hạn chế phát sinh không đáng có. "Các điểm bán vé chính thức của hãng đều có ràng buộc pháp lý thông qua hợp đồng đã ký, vì vậy khi có vấn đề phát sinh, hãng sẽ hỗ trợ quyền lợi hành khách tốt hơn" - ông Tạ Hữu Thanh, Phó TGĐ thương mại Jetstar Pacific - nói.
Với việc phân phối vé máy bay điện tử trên internet, tất cả các đối tượng khách hàng, công ty du lịch, doanh nghiệp đều có thể mua vé qua các kênh phân phối của hãng. Mọi hình thức lợi dụng, gian lận đều không được chấp nhận tại các kênh bán chính thức của Jetstar Pacific. Trong trường hợp phát hiện ra những đại lý cố tình sai phạm, Jetstar Pacific sẽ có các biện pháp cứng rắn để xử lý đồng thời bảo vệ quyền lợi khách hàng.