Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Quảng Ngãi: Kênh mương tiền tỉ bỏ hoang

(13:54:36 PM 09/10/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Đó là thực trạng của tuyến kênh chính và kênh nội đồng thủy lợi tại xã Sơn Thành, huyện Sơn Hà - Quảng Ngãi với tổng vốn đầu tư hơn 3 tỉ đồng

 Một đoạn kênh nội đồng tại thôn Gò Ra, xã Sơn Thành, huyện Sơn Hà - Quảng Ngãi chưa sử dụng đã bị hư hỏng

 

Tháng 4 / 2009, dự án cải tạo và mở rộng hệ thống tưới Di Lăng với gói thầu chính là tuyến kênh chính D7 và D9 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thủy lợi Quảng Ngãi làm chủ đầu tư đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Trong tháng này, dự án kênh nội đồng do UBND huyện Sơn Hà làm chủ đầu tư cũng được nghiệm thu nhằm đưa nguồn nước từ hồ chứa Di Lăng ra tận chân ruộng phục vụ tưới tiêu cho hơn 400 ha lúa.
Người dân hai thôn Gò Ra và Gò Chu (xã Sơn Thành) vui mừng vì các công trình trên đi vào hoạt động sẽ có nguồn nước tưới tiêu phục vụ việc sản xuất. Hơn nữa, đây là những công trình thủy nông được đầu tư khá bài bản với tổng vốn hơn 3 tỉ đồng, không chỉ đáp ứng nhu cầu sản xuất, tưới tiêu mà còn giúp người dân nơi đây (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số H’re) không còn bị đói. “Vui lắm chứ, lần đầu tiên trong xã có tuyến kênh nội đồng được bê tông hóa kiên cố. Ngày công trình khởi công xây dựng ai cũng phấn khởi, hy vọng các cánh đồng từ nay sẽ không còn bị khát nữa” - bà Đinh Thị Rẫy bày tỏ.
Thế nhưng, từ sau khi bàn giao công trình đến nay, hàng trăm hecta lúa của bà con vẫn phải… nhờ trời cho nước. “Thà đừng làm, đã đầu tư tiền tỉ thế mà chưa một ngày đồng ruộng của chúng tôi được tưới nước thủy lợi. Ngày mới khởi công, ai cũng vui mừng nhưng giờ chỉ còn biết cầu trời mỗi khi vào mùa sản xuất” - ông Đinh Trung Nhếch (thôn Gò Ra) bức xúc.
Ông Nhếch cho biết do bị bỏ hoang, các tuyến kênh này đã hư hỏng trong khi những lúc lúa vào giai đoạn xuống giống, bón thúc hoặc tỉa giặm lại thiếu nước nên còi cọc. “Mua phân về cũng để đó… nhìn chơi chứ nắng nóng, đất nứt nẻ thì rải phân xuống cũng đâu có kết quả” – ông Nhếch kể.
Theo ông Nhếch, với hơn 400 ha lúa, nếu có nước thủy lợi đầy đủ thì nông dân sẽ không phải chịu cảnh đói giáp hạt như hiện nay.
Ông Đinh Văn Tim, Chủ tịch UBND xã Sơn Thành, cho biết đã nhiều lần kiến nghị UBND huyện Sơn Hà có biện pháp khắc phục tình trạng trên nhưng vẫn chưa có gì thay đổi.
Theo ông Tim, việc tuyến kênh chính D7 và D9 không đưa nước về đồng ruộng được là do cống van mở tại đầu nguồn ở hồ chứa Di Lăng bị nghẹt. “Thấy công trình không đưa vào sử dụng được và ngày càng hư hỏng mình cũng xót lắm nhưng biết làm sao được, UBND xã đâu có thẩm quyền, đâu có kinh phí để sửa chữa” - ông Tim nói.
Bài và ảnh: Niêm Hà
(Người lao động)