|
Người dân Thái Lan chuyển đồ đạc bằng thuyền tại thành phố Ayutthaya hôm 6.10. Ảnh: CNN. |
Thái Lan: Khủng hoảng lũ lụt
Thủ tướng Thái Lan cảnh báo rằng Bangkok đang gánh chịu trận lũ lụt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ nay. "Tình hình lũ lụt hiện được coi là một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và nó ảnh hưởng trực tiếp đến thủ đô Bangkok", Thủ tướng Yingluck Shinawatra cho biết trong một chương trình truyền hình quốc gia.
Nước ngập sâu hàng mét đã phá hỏng nhà cửa và làm đảo lộn cuộc sống của hàng triệu người ở Thái Lan, đặc biệt là nông dân. Hơn 820.000 hộ gia đình trong 4 tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Ayutthaya, Lop Buri, Chai Nat và Nakhon đã bị ngập nặng, theo hãng thông tấn quốc gia Thái Lan MCOT. Một quan chức bộ công nghiệp Thái Lan kêu gọi các nhà máy trong tỉnh Ayutthaya đóng cửa cho tới ngày 11.10 để có thời gian khắc phục hậu quả lũ lụt.
Các báo cáo của MCOT cho biết tình hình tại Khu công nghiệp Rojana đặc biệt nghiêm trọng. Một cơ quan thuộc bộ công nghiệp cho biết mực nước sẽ tiếp tục tăng và vượt qua đê phòng chống lụt bão, đe dọa khu công nghiệp này, nơi có 198 nhà máy và 90.000 nhân công.
Hôm qua 7.10, Bộ Lao động Thái Lan cho hay có 1.215 nhà máy ở 33 tỉnh trên toàn nước đã bị ngập, ảnh hưởng tới đời sống của khoảng 41.000 công nhân. Ngoài ra, khoảng 3.700 tù nhân tại tỉnh này đã phải sơ tán sau khi nhà tù của họ bị nhấn chìm dưới 1,7 m nước.
Nhà cửa, đường sá và các nhà máy ở phía bắc của thủ đô vừa trải qua một trận ngập nặng, nhưng mối nguy vẫn còn ở phía trước khi dự kiến sẽ còn các cơn bão khác trong những ngày tới. "Tất cả các con kênh ở Bangkok đã hoạt động hết công suất. Nếu có thêm mưa, khả năng Bangkok sẽ bị ngập nặng", Thị trưởng Bangkok Sukhumbhand Paribatra nói trên truyền hình.
Ông cho biết thành phố đang chuẩn bị các kho dữ trữ thực phẩm và nước uống khẩn cấp và thiết lập các trung tâm sơ tán tại trường học. Quân đội đã được triển khai để giúp đỡ nạn nhân và các doanh trại quân đội đang được mở ra cho người dân sơ tán.
Hãng xe hơi khổng lồ của Nhật Bản là Honda cũng tạm ngừng hoạt động sau khi các nhà máy linh kiện của họ ở Ayutthaya, phía bắc Bangkok, bị nước nhấn chìm.
Theo các nhà kinh tế tại trường Đại học của Phòng Thương mại Thái Lan, số tiền thiệt hại ước tính lên tới 104 tỷ baht (3,4 tỷ USD), tính chung cho các tòa nhà, cây trồng, vật nuôi, sản xuất công nghiệp, du lịch và thương mại, chiếm 1% tổng sản lượng kinh tế hàng năm của đất nước.
Các nước Đông Nam Á khác: Tan tác
Trong khi đó, Philippines cũng đang nỗ lực phục hồi sau khi bị các cơn bão vùi dập liên tiếp trong vòng một tuần. Cơn bão Nesat đã cướp đi 55 sinh mạng và số tử vong do cơn bão Nalgae là 4 người tính đến đầu tuần này.
Khoảng 3.600 bệnh nhân tại các trung tâm sơ tán đã mắc bệnh đường hô hấp như cúm và viêm phổi, trong khi 600 trường hợp bị tiêu chảy. Ngoài ra, 5 người ở tỉnh Bulacan bị trùng xoắn, một bệnh do vi khuẩn.
Các nước láng giềng khác cũng phải đối phó với hậu quả của lũ lụt nghiêm trọng như Lào, nơi mà các quan chức hàng đầu tỉnh Savannakhet đã yêu cầu chính phủ tài trợ tiền cho 12/15 quận, huyện để sửa chữa hệ thống thủy lợi và phát triển hệ thống phòng chống lũ, theo thông tấn xã nước này.
Còn tại Campuchia, Bộ trưởng Nông nghiệp H.E. Chan Saran cho biết lũ lụt ảnh hưởng đến hơn 330.000 ha lúa và giết chết 1.000 gia súc.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới các gia đình của những người đã thiệt mạng vì những cơn mưa lớn và lũ lụt ở Đông Nam Á. "Đại sứ quán của chúng tôi ở khu vực đang làm việc với chính quyền địa phương và các tổ chức quốc tế để đánh giá khả năng Mỹ có thể giúp các quốc gia bị tàn phá bởi lũ lụt", bà Clinton cho biết trong một tuyên bố.
Uyên Nhi (Lao động)
(Theo CNN, AFP)