Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Phạm Hải Anh (ĐH Đại Nam) bén duyên với thú chơi này cách đây 2 năm. Trong một lần lên mạng, nhìn thấy những mô hình bằng giấy được đăng trên một diễn đàn, bị cuốn hút bởi những hình ôtô, tàu chiến, cậu sinh viên năm 3 này quyết định tải một số mẫu trên mạng về làm thử. Mô hình đầu tiên là chiếc xe Yamaha được hoàn thành sau một tuần tỉ mẩn.
Hải Anh cho biết, paper craft (mô hình giấy) là lắp ráp những mảnh giấy bìa cứng đã được in hình sẵn (kit) tạo thành những mô hình 3D. Dụng cụ để làm mô hình khá đơn giản như dao rọc giấy, kéo, keo dán, thước… Một sản phẩm mô hình hoàn chỉnh phải qua nhiều công đoạn: chọn mẫu trên mạng, in màu, cắt chi tiết, gấp, dán, hoàn thiện chi tiết và dán ghép. Với những mô hình phức tạp, quá trình này có thể kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng.
Sản phẩm đầu tiên của Hải Anh, mẫu xe Yamaha YZF-R1 với 321 chi tiết. Ảnh: Yến Hoa.
Đam mê với những đồ chơi bằng giấy từ nhỏ nên Hồng Đăng (ĐH Thăng Long) sớm tìm đến với paper craft. “Mình bị cuốn hút bởi tất cả những thứ làm từ giấy. Trước đây mình từng gấp Origami, nhưng sau khi biết đến paper craft thì gắn bó với nó luôn”, Hồng Đăng nói. Sản phẩm hoành tráng nhất mà Đăng từng hoàn thành là mô hình nhà thờ Đức Bà (Pháp) dài 56 cm, rộng 18 cm, cao 40 cm.
Nam Thắng (ĐH Bách khoa Hà Nội), trưởng nhóm Mô hình giấy Hà Nội cho biết, những người chơi mô hình giấy chia theo 3 nhóm chính: nhóm chơi mô hình tỷ lệ bao gồm các mô hình thu nhỏ theo tỷ lệ thật ngoài đời; nhóm các mô hình kiến trúc và nhóm chơi mô hình không theo tỷ lệ gồm các mô hình nhân vật hoạt hình, truyện tranh, các mẫu mô hình dễ thương.
Cũng theo Thắng, chơi mô hình giấy có nhiều cấp độ. Đơn giản nhất thì làm những động vật như chó, mèo, gấu trúc… Phức tạp hơn là những mẫu xe tăng, tàu chiến, robot chi tiết tinh xảo hoàn toàn giống thật. Những mẫu này có khi lên đến hàng chục trang A4 với hàng nghìn chi tiết lớn nhỏ.
Yếu tố quan trọng nhất để có thể thành công trong môn chơi này là tính kiên trì và tỉ mẩn. Anh Ngọc (HV Báo chí & Tuyên truyền) chia sẻ: “Làm mô hình giấy muốn nhanh cũng không được. Chỉ vội vàng một chút thôi có thể làm nát giấy, bong keo, hỏng cả mô hình ngay”.
Anh Ngọc tỉ mỉ dán từng chi tiết cho sản phẩm mô hình của mình. Ảnh: Yến Hoa
Còn Minh Đức (ĐH Kinh tế quốc dân) thì chia sẻ mô hình càng phức tạp, độ kiên nhẫn phải càng cao. Rất nhiều người bạn của Đức làm được một nửa sản phẩm rồi bỏ, không làm nữa vì không đủ kiên trì.
Với những người mới chơi, để tiết kiệm chi phí, họ sử dụng các công cụ tự chế có sẵn như kẹp ghim, nhíp, tăm tre… Anh Ngọc hóm hỉnh: “Mình thường đi in đen trắng rồi về tô màu để tiết kiệm chi phí”. Nhưng với các “chuyên gia” thì đây là một thú chơi khá tốn kém. Để tìm được đồ độc, đồ “khủng” thì phải mua ở nước ngoài, có những bộ giá hàng trăm USD. Chưa kể các dụng cụ để làm cũng được nâng cấp hơn, có khi giá lên tới vài triệu đồng.
Sản phẩm mô hình giấy được chủ nhân trưng bày, chia sẻ lên các diễn đàn, làm quà tặng bạn bè, người thân. Hồng Đăng hào hứng: “Thích nhất là cảm giác khi mọi người nhìn thấy mô hình của mình, trầm trồ khen ngợi, và ngạc nhiêu khi biết nó hoàn toàn được làm bằng giấy”.
Mô hình mèo Hello Kitty của Hồng Đăng làm tặng sinh nhật bạn gái. Ảnh: Yến Hoa.
Hay như Phan Hải (ĐH Hà Nội) một lần mang sản phẩm đến khoe các bạn cùng lớp được mọi người hưởng ứng nhiệt tình. "Các bạn rất thích thú nên nhờ mình chỉ cho cách làm. Có những bạn còn đặt mình làm để tặng cho người khác". Chính điều này khiến Hải nảy ra ý tưởng kinh doanh các sản phẩm mô hình giấy. Hiện shop bán hàng online của Hải nhận được rất nhiều đơn đặt hàng.