ĐBSCL: 18 người chết do lũ, trên 50.670 căn nhà bị ngập. Theo Ban Chỉ huy PCLBTƯ, tính đến 7.10, vùng ĐBSCL đã có 18 người chết do lũ cùng nhiều thiệt hại vật chất: 50.672 căn nhà bị ngập, 6.553ha lúa bị mất trắng, 3.169ha hoa màu và 1.221ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, 646km bờ bao và 775km đường giao thông bị sạt lở. Uỷ ban MTTQ đã quyết định chuyển số tiền cứu trợ từ Quỹ Cứu trợ T.Ư cho 8 địa phương vùng ĐBSCL: An Giang (1 tỉ đồng), Đồng Tháp (700 triệu đồng), Kiên Giang (500 triệu đồng), Tiền Giang, Cần Thơ và Hậu Giang (300 triệu đồng/tỉnh), Vĩnh Long và Long An (200 triệu đồng/tỉnh). L.N.G
Nước lũ đầu nguồn sông Cửu Long đang lên. Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Đồng Tháp, tại các huyện đầu nguồn sông Cửu Long, mực nước lúc 7h ngày 7.10 cao hơn từ 1-3cm so với ngày hôm trước. Tương tự, tại vùng Đồng Tháp Mười, nước tiếp tục lên từ 1- 4cm; khu vực các huyện, thị xã, thành phố phía nam lên từ 5-6cm. Dự báo, trong 5 ngày tới, do kết hợp giữa lũ thượng nguồn và triều cường, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long lên chậm. Đến 11.10, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu ở mức 4,80m (trên báo động III là 0,30m). Thời gian duy trì mực nước trên báo động III kéo dài đến nửa cuối tháng 10. Mực nước vùng Đồng Tháp Mười tiếp tục lên từ 2-4cm/ngày; mực nước khu vực phía nam lên nhanh theo triều cường và lũ. L.T - L.N.G
Đề nghị nâng mức hỗ trợ khôi phục sản xuất lúa là 6 triệu đồng/ha. TS Dương Nghĩa Quốc - GĐ Sở NNPTNT kiêm Phó Trưởng ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Đồng Tháp - đã có văn bản đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ khôi phục sản xuất lúa lên mức 6 triệu đồng/ha - tương đương 35% chi phí thực tế nông dân đầu tư cho 1ha lúa đã bị mất trắng (thay vì chỉ là 1 triệu đồng/ha theo Quyết định 142/2009/QĐ-TTg ngày 31.12.2009). Cũng trong văn bản này, ông Quốc còn kiến nghị Chính phủ xem xét khoanh nợ vay ngân hàng đối với hộ bị thiệt hại 100% số diện tích sản xuất nông nghiệp, thủy sản. T.B
Đồng Tháp: Lũ gây thiệt hại tài sản trên 760 tỉ đồng. Ngày 7.10, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCLB Lê Văn Hùng cho biết, lũ đã gây thiệt hại 760,132 tỉ đồng, gồm: Nhà dân bị ngập, hư hại: 22,335 tỉ đồng; sản xuất nông - lâm - thủy sản: 215,007 tỉ đồng; công trình giao thông: 328,438 tỉ đồng; công trình thủy lợi: 54,981 tỉ đồng; sạt lở bờ sông: 66,272 tỉ đồng... Ngoài ra, từ đầu tháng 9 đến nay, nạn sạt lở tiếp tục tấn công các địa phương nằm ven sông Tiền là Hồng Ngự, Thanh Bình, Châu Thành và TP.Cao Lãnh. Tổng chiều dài sạt lở lên đến 7.620m, diện tích sạt lở 129.538m2. L.T
Cần Thơ: Hỗ trợ thêm 15 tỉ đồng bảo vệ lúa. Tin từ Sở NNPTNT ngày 7.10, trung ương vừa bổ sung cho TP 15 tỉ đồng để bảo vệ lúa thu đông, nâng tổng số lên 24 tỉ đồng. Tính đến cuối tháng 9, TP đã có hơn 2.000ha lúa bị thiệt hại do lũ, trong đó 1.131,2ha giảm năng suất từ 30-70% và 468ha giảm năng suất hơn 70%. Trần Lưu
Hậu Giang: Trên 570ha mía bị ngập nước. Theo UBND xã Hòa An (huyện Phụng Hiệp), ngày 7.10, hiện vùng mía nguyên liệu của xã đã có trên 570/tổng số 645ha bị ngập từ 10 - 15cm, gây ảnh hưởng tới năng suất (có nông dân đã thu hoạch năng suất giảm 3 - 4 tấn/công). Ngay thời điểm này, mía lại bị sâu đục thân gây hại với trên 120ha bị thiệt hại từ 30 - 40%. L.N.G
Đồng Tháp: Bến chợ cá Sa Đéc ngập từ 0,3 - 0,8m. Mấy ngày qua, khu bến chợ cá thị xã Sa Đéc, đường Nguyễn Huệ (đoạn đến chợ cá) bị ngập diện rộng từ 0,3 – 0,8m vào sáng sớm và chiều tối. Xe chở hàng lên xuống hàng hóa và các hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn. L.N.G
Tiền Giang: Sẵn sàng đối mặt với lũ. Ngày 7.10, ông Trần Hoàng Bá - Phó GĐ Sở NNPTNT - cho biết, hiện tỉnh đã đắp xong 7 đập thép chống lũ và triều cường, bảo vệ vườn cây ăn trái; xử lý xong 26 điểm sạt lở và đang thi công 23 điểm mới; các huyện đầu nguồn đã tiến hành gia cố, đắp đập, nạo vét kênh, nâng cấp đê bao, chuẩn bị phương tiện bơm tát chống úng, sẵn sàng đối mặt với lũ. Q.Anh
|