Đây là vấn đề có tính chất quyết định về tiêu chuẩn lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người lao động, nhất là đối với người lao động yếu thế; đồng thời cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình hình tranh chấp lao động, đình công đang diễn ra phức tạp hiện nay.
Ý kiến chung tại phiên họp nhất trí dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) tập trung vào việc tiếp tục hoàn thiện một số quy định như: Hợp đồng lao động và những vấn đề liên quan đến hợp đồng lao động; tiền lương và tiền lương tối thiểu; một số chính sách đối với lao động nữ; bổ sung thêm một số chính sách mới. Đặc biệt, đối với những quy định về tiền lương và lương tối thiểu, bà Trương Thị Mai (Chủ nhiệm UB các Vấn đề xã hội của QH) và nhiều ý kiến khác lưu ý: Phải xem tiền lương là giá cả sức lao động, được hình thành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
|
Tiền lương là vấn đề được chú trọng sửa đổi, bổ sung trong dự án Bộ luật Lao động vì ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người lao động. Ảnh: Kỳ Anh |
Nhiều ý kiến cho rằng, trong điều kiện hiện nay với tỉ lệ lao động phổ thông còn khá lớn, cần thiết phải quy định mức lương tối thiểu vùng, nhưng trong tương lai, khi nhóm lao động có tay nghề tăng lên cần phải hướng đến việc chỉ công bố mức lương tối thiểu đối với nhóm ngành, nghề mà người lao động có khả năng rơi vào tình trạng yếu thế, hạn chế việc người sử dụng lao động lợi dụng lương tối thiểu như là lương tham chiếu để chi trả tiền lương không hợp lý.
Tiền lương tối thiểu ngành do thỏa ước lao động tập thể ngành quyết định. Bên cạnh đó cần tiếp tục bổ sung các quy định để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người sử dụng lao động và người lao động thương lượng tập thể về tiền lương trong các thỏa ước lao động tập thể ở nhiều cấp độ khác nhau.
Dự án bộ luật quy định bỏ giới hạn trần (36 tháng) trong loại hợp đồng xác định thời hạn, Thường trực UB các Vấn đề xã hội của QH có ý kiến: Việc bỏ mức trần 36 tháng đối với thực tiễn chưa được, cần phải làm rõ hơn. Vì việc sửa đổi này có thể dẫn đến khả năng người sử dụng lao động lợi dụng để vi phạm quyền lợi hợp pháp đối với người lao động.
Dự án bộ luật quy định theo hướng tăng thời gian làm thêm giờ từ tối đa không quá 200 giờ trong một năm, một số trường hợp đặc biệt được làm thêm tối đa 360 giờ một năm (hiện hành là 300 giờ/năm). Vấn đề này có rất nhiều ý kiến khác nhau, nhưng Thường trực UB các Vấn đề xã hội của QH tán thành quy định về số thời giờ làm thêm như dự án luật. Nhưng có giới hạn chỉ cho phép làm thêm giờ trong một số ngành, nghề cụ thể, theo độ tuổi nhất định và phải quy định tiền lương làm thêm giờ cao hơn mức hiện hành và có sự phân biệt giữa làm thêm ban ngày, làm thêm ban đêm, làm thêm vào ngày nghỉ. Có như vậy mới khắc phục được tình trạng vi phạm pháp luật về thời giờ làm thêm.
Về thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ, Thường trực UB các Vấn đề xã hội của QH cho rằng, nên quy định linh hoạt đối với vấn đề này bằng việc đưa ra mức sàn tối thiểu, có thể là 4 tháng và cho phép thời gian nghỉ thai sản tối đa là 6 tháng, trên cơ sở đó tùy theo điều kiện mà lao động nữ có quyền lựa chọn, quyết định thời gian nghỉ từ 4 tháng đến 6 tháng với các điều kiện khác nhau cho phù hợp với công việc, cuộc sống của mình.
Một số sửa đổi, bổ sung quan trọng
- Bỏ giới hạn tối đa đối với hợp đồng lao động có thời hạn xác định từ đủ 12 tháng trở lên.
- Quy định thời hạn (1 tháng) bắt buộc để ký hợp đồng lao động bằng văn bản đối với người lao động làm việc theo loại hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên.
- Quy định cấm đối với người sử dụng lao động khi giao kết hợp đồng lao động giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng chứng chỉ của người lao động...
- Nâng lương thử việc từ 70% lên 85% để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ.
- Về quyền nghỉ hưu, lao động nữ đủ 55 tuổi, người lao động nam đủ 60 tuổi có quyền nghỉ hưu. Đồng thời, giao Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu đối với một số loại lao động đặc thù khi người lao động tự nguyện kéo dài thời gian làm việc và được sự đồng ý của người sử dụng lao động.
Phương Linh
|
Đỗ Lê Tảo (Lao động)