Ăn gì để chờ đường?
Ngày 4/10, chúng tôi cuốc bộ nửa ngày đường trên tỉnh lộ 722 mới đến được trung tâm xã Đưng K’Nớ. Tỉnh lộ 722 tràn ngập bùn đất nhão nhoét, phải lội bùn đến ngang đầu gối. Trung tâm xã Đưng K’Nớ - đúng như nghĩa của từ trong tiếng Cơ Ho - là một bãi đất bằng chật hẹp giữa núi non, tứ phía là rừng đặc dụng Bi Doup Núi Bà và rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim.
|
Không còn phương tiện gì vào được trung tâm xã Đưng K’Nớ. Ảnh: T.K |
Chị Nguyễn Thị Quyên - chủ quán tạp hóa Đức Quyên - cho biết, cách đây 2 tuần, chị trả 10 triệu đồng thuê một chuyến xe reo chở 8 tấn hàng nhu yếu phẩm. Từ Đà Lạt, xe chạy đúng một tuần mới vào đến nơi. Đó là chuyến xe reo cuối cùng đến Đưng K’Nớ, vài ngày sau chỉ còn xe thồ với giá 600.000 đồng/chuyến, giờ thì không phương tiện nào ra vào được.
Trong nhà dân, số gạo cứu trợ ngày 24.9 cũng sắp hết. Đưa túm gạo chỉ còn khoảng 6kg, ông KSơr K’Sớp lo lắng nói: “Nhà mình 4 khẩu, số gạo này chỉ đủ ăn 3 ngày nữa”. Nhiều hộ chỉ 1 tuần nữa cũng hết gạo ăn. Ông KTría H’Nga cho biết, gạo loại thường 15.000 đồng/kg, mì tôm 6.000 đồng/gói, xăng 30.000 đồng/lít, nhưng không có để mua.
Chị Phạm Thị Huyên - cán bộ Trạm y tế xã Đưng K’Nớ - cho biết: “Xe cấp cứu chỉ vào đến dốc Cổng Trời, khá hơn là đến thôn Lán Tranh, người nhà phải cõng bệnh nhân lội bùn 8 - 10 cây số nên không ai muốn đi. Họ bảo chết ở nhà còn hơn là chết dọc đường, trạm đành cho họ viết cam kết tự chịu trách nhiệm, rồi điều trị tại chỗ”. Theo Chủ tịch UBND xã Bon Niêng Liên, do có hai trường hợp tử vong trên đường đi cấp cứu, nên bây giờ bệnh nhân nặng không muốn chuyển viện, sợ phải chết dọc đường.
Cần giải pháp khả thi hơn
Nguyên nhân thực trạng trên là do sự chậm trễ trong quá trình thi công dự án đường Trường Sơn Đông - đoạn qua tỉnh Lâm Đồng trùng với tỉnh lộ 722. Khởi công từ năm 2005, theo kế hoạch sẽ hoàn thành năm 2010, nhưng đến thời điểm này tỉnh lộ 722 vẫn là con đường đất lầy lội. Đơn vị thi công đã nâng cao nền đường cũ, có đoạn đổ đất dày đến 3m. Mặc dù đã lu nền, nhưng do các phương tiện làm đường đi lại, cộng với thời tiết mưa nhiều nên mặt đường bị cày nát đến nỗi đi bộ cũng bất khả thi.
Ông Phạm Triều - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương - cho biết: “Ngày 24.9, huyện đã cấp 11 tấn gạo cho 11.000 khẩu ở các thôn 1, 2 và thôn Đưng Trang, mỗi khẩu 10kg. Số gạo này chỉ đủ cầm cự đến ngày 10.10, trong khi nguồn dự trữ tại chỗ không còn. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các đơn vị thi công đường Trường Sơn Đông là Cty xây dựng 470 và Cty 7.5 phải tận dụng gỗ giải phóng mặt bằng để kết bè cho xe tải nhỏ vào thôn Lán Tranh.
Huyện cũng chỉ đạo BQL rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim và Vườn quốc gia Bi Doup Núi Bà dùng tiền khoán quản lý bảo vệ rừng quý III của dân mua gạo, vận chuyển đến thôn Lán Tranh để bà con ra lấy”. Tuy nhiên, thực trạng tỉnh lộ 722 cho thấy việc kết bè cho xe vào thôn Lán Tranh cũng không dễ dàng, do đường đã hư hỏng nghiêm trọng hơn thời điểm khảo sát. Do vậy các đơn vị liên quan cần có giải pháp khả thi hơn nhằm đảm bảo việc đi lại của người dân trong suốt thời gian thi công dự án này.
Đặng Trung Kiên (Lao động)