Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Sẽ trưng cầu ý dân về hạn chế xe cá nhân

(12:48:14 PM 06/10/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Tại cuộc họp báo ngày 5/10, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng cho biết bộ sẽ xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân, lấy ý kiến người dân rồi trình Chính phủ để thực hiện.

 

Xe máy, ôtô chen chúc nhau trên đường Bạch Đằng, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng
 
 
Ông Thăng nói: “Hiện nay chúng tôi đang xây dựng lộ trình hạn chế xe cá nhân, quý 4 năm nay sẽ hoàn thành đề án và quý 1-2012 sẽ lấy ý kiến của các chuyên gia, người dân rồi trình Chính phủ. Nội dung, lộ trình cụ thể thế nào chúng tôi sẽ công bố. Chúng tôi muốn các đề án của ngành GTVT đưa ra thật sự là đề án được đa số người dân chấp thuận và người dân sẽ là người thực hiện”.
 
Trước những nghi ngại phương tiện giao thông công cộng chưa có, xe buýt chưa đáp ứng được nhu cầu, việc hạn chế phương tiện cá nhân không khả thi, ông Thăng cho rằng không thể chờ vận tải công cộng rồi mới hạn chế xe cá nhân. Việc này cần phải có biện pháp song song, đồng bộ.
“Tôi đi xe buýt hai lần”
 
Thí điểm hạn chế, cấm xe máy ở nội ô Hà Nội
 
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi vừa có văn bản giao Sở GTVT phối hợp với Công an TP, các cơ quan của Bộ GTVT và UBND các quận huyện, thị xã khẩn trương thực hiện các nội dung về tăng cường các giải pháp trọng tâm đảm bảo an toàn giao thông theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, UBND TP Hà Nội giao Sở GTVT, Công an TP khẩn trương xây dựng phương án thí điểm việc hạn chế hoặc cấm lưu thông trong thời gian thích hợp đối với môtô, xe máy trên một số tuyến phố trong đô thị để rút kinh nghiệm, nhân rộng nếu có hiệu quả trong việc giảm ùn tắc giao thông. UBND TP cũng giao hai đơn vị này thực hiện nhiệm vụ khảo sát, nghiên cứu ngay việc xây dựng cầu vượt lắp ghép cho phương tiện cơ giới đường bộ có trọng tải nhẹ từ 3 tấn trở xuống tại các nút giao thông có mật độ giao thông lớn, thường xuyên gây ùn tắc giao thông tại khu vực nội ô. Nếu khả thi, an toàn thì đề xuất UBND TP cho phép xây dựng 1-2 vị trí thí điểm để rút kinh nghiệm.
Xuân Long
Ông Thăng cho biết: “Vừa rồi tôi đi xe buýt hai lần, ăn mặc bình thường, đội mũ lụp xụp, lái xe cũng không biết tôi. Nhìn chung xe buýt đáp ứng được một phần nhu cầu vận tải nhưng vẫn tồn tại những khuyết điểm, điểm dừng đỗ chưa hợp, bỏ bến, phóng nhanh vượt ẩu, thiết kế xe chưa phù hợp với điều kiện đô thị, hệ thống phanh chưa phù hợp làm người trên xe khó chịu. Bộ sẽ làm việc với Tổng công ty Vận tải Hà Nội để tránh áp lực khoán chuyến cho tài xế, tăng chuyến giờ cao điểm để đáp ứng nhu cầu”.
 
Theo ông Thăng, Bộ GTVT sẽ tổ chức hội thảo nâng cao chất lượng vận tải công cộng, nhất là xe buýt; mời lái xe, cơ quan quản lý đến bàn thảo tìm giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ, dịch vụ phù hợp với người dân.
Tuy nhiên, ông Thăng cũng chia sẻ khó khăn với người dân khi hạn chế phương tiện cá nhân: “Tôi chia sẻ với những người phải đưa đón con đi học, ngại tham gia xe buýt. Nhưng bản thân người tham gia giao thông phải có sự chủ động giờ giấc đi để phù hợp với lộ trình của mình. Bản thân tôi đi xe buýt sớm hơn giờ cao điểm một chút thì không thấy ùn ứ”.
 
Thu phí theo đầu phương tiện
 
Tại cuộc họp báo, Bộ GTVT cho biết bộ và các bộ ngành liên quan đã thống nhất chọn hai phương án thu phí lập quỹ bảo trì đường bộ để xem xét trình Chính phủ. Phương án thứ nhất là thu phí theo đầu phương tiện đối với ôtô, xe máy. Nếu thu qua đầu phương tiện, với ôtô sẽ thu qua đăng kiểm theo định kỳ, với xe máy sẽ thu thông qua bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới hoặc giao các địa phương thu và đưa vào quỹ bảo trì đường bộ của địa phương đó.
 
Mức thu xe máy khoảng 180.000 đồng/xe/năm, mức thu của ôtô sẽ chia theo nhóm phương tiện. Với phương thức thu này dự kiến thu được 8.000-10.000 tỉ đồng/năm cho quỹ. Khi thực hiện thu quỹ sẽ loại bỏ các trạm thu phí của Nhà nước hiện nay.
 
Riêng trạm thu phí BOT do nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư nên các trạm này vẫn tồn tại để nhà đầu tư hoàn vốn.
Phương thức thứ hai là thu qua xăng, dầu diesel. Với ôtô sử dụng xăng thì thu trực tiếp qua giá xăng để đảm bảo công bằng và không hoàn trả cho phương tiện sử dụng xăng ngoài đường bộ vì số phương tiện này ít. Đối với xe sử dụng dầu diesel có thể lắp đặt thiết bị tính phí hoặc thu theo đầu phương tiện để tránh rắc rối hoàn phí.
 
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết dù đưa hai phương án nhưng quan điểm của bộ là kiến nghị Chính phủ chấp thuận thu quỹ theo đầu phương tiện. Nếu được Chính phủ thông qua, sẽ thực hiện chậm nhất vào tháng 7-2012. 
Theo Tuổi trẻ