Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cô gái biến thành bà lão có thể trẻ lại !

(23:40:52 PM 05/10/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Ngày 4/10, BS Hoàng Văn Minh, chuyên gia da liễu, đã khám bệnh tại nhà cho cô gái 26 tuổi biến thành bà lão và chẩn đoán chị Nguyễn Thị Phượng mắc bệnh tế bào vón, khả năng phục hồi 50-70% gương mặt lão hóa.

BS Minh đang khám bệnh cho chị Phượng

 

Hơn 15h ngày 4/10, bác sĩ Hoàng Văn Minh, Trưởng phòng khám da liễu Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, và bác sĩ Nguyễn Thanh Sơn, phụ trách phòng khám da liễu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bến Tre - cùng các PV có mặt tại nhà chị Nguyễn Thị Phượng ở Giồng Trôm, Bến Tre.

 
Đó là bệnh tế bào vón
 
Tại đây, bác sĩ Hoàng Văn Minh đã hỏi kỹ từng vấn đề liên quan đến bệnh tình của chị Phượng. Tiếp đó, bác sĩ Minh đã thực hiện nghiệm pháp Darrier bằng cách dùng bút bi khều hơi mạnh lên một số vùng da trên gương mặt. Ngay lập tức, vùng da bị khều đỏ lên và sưng ra, sau đó mờ dần và xuất hiện cục sưng nề trên mặt da. Điều này thể hiện dấu hiệu dương tính của bệnh Mastocytose, hay còn gọi là bệnh tế bào vón. Sau đó, chị Phượng được đưa vào buồng riêng để các bác sĩ thăm khám và xem xét kỹ các vùng da ở chân, nách, bụng, bẹn, lưng...
 
Bác sĩ Hoàng Văn Minh là bác sĩ chuyên khoa 1, có nhiều công trình nghiên cứu, báo cáo khoa học về nhiều bệnh lý khó liên quan đến bệnh da liễu được đăng tải trên các tạp chí y khoa trong và ngoài nước. Ông là thầy của nhiều bác sĩ trẻ.

Qua thăm khám thực tế cho thấy khởi đầu chị Phượng có nổi mề đay với biểu hiện là những nốt đỏ, ngứa trên da. Những nốt đỏ, ngứa này xuất hiện nhiều khi ăn hải sản. Chị Phượng tự đi chữa, uống thuốc được một thời gian thì bớt rồi tái phát nhiều lần. Sau đó mới chuyển qua uống thuốc đông y thì trên mặt và một số vị trí trong cơ thể bị sưng phù lên, căng tròn và sau đó xuất hiện các đường nứt ở tay, chân, nách, bẹn. Sau một thời gian da của chị Phượng mới từ từ nhão ra và mặt bị già đi.

 
Theo bác sĩ Minh, khi khám ông thấy mặt chị Phượng có biểu hiện bị sưng, nếp nhăn da thấy rất rõ, nổi hẳn lên và vẫn còn ngứa. Ngoài ra, trước đây cứ khoảng một tháng chị Phượng còn có những đợt bị tiêu chảy. Mỗi khi bị tiêu chảy mặt và tay bị đỏ lên. Từ những dấu hiệu lâm sàng này, bác sĩ Minh chẩn đoán bệnh nhân có đầy đủ dấu hiệu của bệnh tế bào vón.
 
Về vấn đề da bị nhão, chùng, các đường nứt da ở chân, bụng, bẹn, nách..., theo bác sĩ Minh, có thể do tác dụng phụ của loại thuốc bệnh nhân uống có chứa corticoide trước đây. Những biểu hiện này thật ra chỉ là những dấu hiệu đi kèm, còn bệnh chính vẫn là tế bào vón.
 
Có thể phục hồi 50-70% gương mặt lão hóa
 
Vợ chồng chị Phượng gặp gỡ bà con hàng xóm trước khi lên đường đi chữa bệnh
  
 
Bác sĩ Minh cho biết bệnh tế bào vón thường gặp ở trẻ em và rất hiếm gặp ở người lớn. Tế bào vón có hai dạng bệnh là: dạng da đơn thuần và dạng bệnh hệ thống. Nếu là dạng bệnh hệ thống thì bệnh thường là ác tính, có thể làm ảnh hưởng đến tủy xương và bệnh nhân có thể chết sớm. Chị Phượng thuộc bệnh dạng da đơn thuần nên có tiên lượng điều trị tốt, nếu được giải quyết sớm sẽ bớt bệnh và trong một số trường hợp còn có thể thoái bệnh tự nhiên. Theo bác sĩ Minh, với bệnh tế bào vón ở người lớn cách đây 7-8 năm ông có gặp một trường hợp ở Bệnh viện Da liễu TPHCM. Tuy nhiên, bệnh nhân này rơi vào trường hợp dạng bệnh ác tính nên sau đó tử vong.
 
Bệnh tế bào vón tuy hơi khó điều trị nhưng vẫn còn có thể đáp ứng được và giúp bệnh nhân dễ chịu lại. Ngay cả bệnh bao tử, bệnh đường tiêu hóa của chị Phượng cũng nằm trong bệnh cảnh tế bào vón. Vì tế bào vón tiết ra chất kháng histamine. Trong đó histamine thuộc nhóm 1 sẽ gây ra ngứa ngáy, phù nề, sẩn phù, nổi mề đay ngoài da; histamine thuộc nhóm 2 sẽ gây ra bệnh đường tiêu hóa.
 
Chị Phượng có biểu hiện lâm sàng đầy đủ của histamine nhóm 1 và 2, nếu sử dụng thuốc cho cả kháng histamine nhóm 1 và 2 sẽ giải quyết phần nào sự phù nề giống như lão hóa da trên gương mặt.
 
Trao đổi với chúng tôi về mong muốn của chị Phượng được điều trị khỏi bệnh và giúp làm trẻ lại gương mặt như độ tuổi thật, bác sĩ Minh cho biết việc đầu tiên là phải giải quyết vấn đề dị ứng vì hiện nay chị vẫn còn biểu hiện dị ứng. Dấu hiệu của bệnh tế bào vón thể hiện qua những vùng mặc đồ chật da vẫn còn bị nổi đỏ, một số nơi trên da vẫn còn những nốt sẩn phù. Ở những vùng da bị rạn nứt, chùng giãn sẽ hơi khó điều trị và chỉ làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Khả năng điều trị chỉ có thể giải quyết được 50-70% gương mặt lão hóa của chị. Trong tương lai nếu có những laser tốt có thể bắn điều trị những vết nhăn đó bớt được.
 
Việc phẫu thuật căng da mặt, cắt bỏ da thừa do bị sưng phù có thể giúp làm trẻ lại gương mặt của chị Phượng? Bác sĩ Minh khẳng định việc này không cần thiết vì đây là bệnh có thể chữa bằng phương pháp nội khoa. Nếu có áp dụng thì áp dụng ở những vùng da nhăn dưới chân, tay. Còn với mặt của chị Phượng thì không cần thiết vì bệnh lý vẫn còn đỏ, sưng khi khều.
 
Qua khám lâm sàng, bác sĩ Minh khẳng định hơn 90% chị Phượng bị bệnh tế bào vón. Tuy nhiên ông còn băn khoăn chưa biết ngoài bệnh này chị Phượng còn bị kèm thêm bệnh gì khác nữa không. Vì vậy để có chẩn đoán xác định, chị Phượng cần phải làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu và sinh thiết da tìm kiếm thêm bệnh khác có thể đi kèm để xử lý điều trị tốt hơn.
 
“Tôi chỉ mong khỏi bệnh, sống bình thường”
 
Chiều 4/10, hàng trăm người dân hiếu kỳ đã tập trung trước ngôi nhà lá của chị Nguyễn Thị Phượng ở thị trấn Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre để nhìn rõ hơn khuôn mặt chị.
 
Chị Cẩm Hồng, hàng xóm của chị Phượng, cho biết dân ở đây nghèo, bình thường bỏ ra 3.000 đồng mua báo đã xót, nhưng hôm nay ai cũng tranh nhau mua báo đọc. Chị Hồng kể hồi trước chị Phượng đẹp nhất nhì thị trấn. Nhưng nhiều người thấy chị Phượng khác trước quá còn nghi ngờ không phải là Phượng. “Tụi tui là hàng xóm của nó mấy chục năm, giờ ai tới nó cũng gọi tên rành mạch từng người thì sao nó là Phượng giả được” - chị Hồng nói tiếp.
 
Mẹ mất từ khi Phượng mới 6 tuổi, ba lập gia đình riêng, Phượng ở với bà ngoại từ nhỏ trong ngôi nhà mướn ở thị trấn Giồng Trôm. Hai bà cháu làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Cách đây ba tháng bà ngoại mất, Phượng từ Bình Phước về đưa tang bà, chị khóc ngất để rơi khẩu trang nên nhiều người mới biết bệnh tình của chị. “Chứ trước đó nó về thăm ngoại suốt nhưng toàn bịt khẩu trang nên không ai biết. Ba tháng trở lại đây tui thấy mặt Phượng có thêm nhiều nếp nhăn và có vẻ già thêm”- chị Hồng cho biết.
 
Chiều 4/10, một số cán bộ của Công an huyện Giồng Trôm cũng đã đến nhà chị Phượng, yêu cầu chị làm bản tường trình về tình trạng sức khỏe của mình. Trung tá Đinh Xuân Thắng - phó đội phụ trách công an xã, Công an Giồng Trôm - cho biết công an huyện muốn nắm rõ tình hình nhằm trấn an, dẹp bỏ những thông tin sai lệch hoặc những tin đồn nhảm nhí, mê tín nếu có. Vì hiện tại lượng người hiếu kỳ tập trung quanh nhà chị Phượng khá đông khi hay tin chị trở về và báo chí đăng suốt mấy ngày qua.
 
Hay tin có bác sĩ từ TP.HCM xuống thăm khám, vợ chồng chị Phượng rất mừng. Chị Phượng nói: “Tôi rất vui vì không ngờ mình nghèo khổ vầy mà lại được mọi người quan tâm nhiều vậy. Nhưng thú thực lúc này tinh thần tôi không được ổn định. Đông người tới nhà dòm ngó quá cứ như mình là người ngoài hành tinh làm tôi thấy hơi mặc cảm. Giờ tôi chỉ cầu mong sao chữa khỏi bệnh để sống cuộc đời bình thường như tất cả mọi người”.
 
 
 
Theo Lê Thanh Hà
Tuổi trẻ