(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Các cơ quan chức năng đã phát hiện rất nhiều phần mềm vi phạm bản quyền trị giá gần một triệu đô la Mỹ tại bốn doanh nghiệp ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng.
Thanh tra bản quyền phần mềm cài sẵn trong máy tính tại công ty Thủy Linh (Hà Nội)- Ảnh minh họa
Các doanh nghiệp đã sử dụng hơn 700 sản phẩm phần mềm không có bản quyền trong hoạt động kinh doanh, bao gồm cả các sản phẩm được phát triển bởi các công ty phần mềm Việt Nam.
Thanh tra Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đã tiến hành kiểm tra bốn công ty hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, xây dựng, thương mại và bất động sản. Qua kiểm tra đã tìm thấy 712 bản copy của các phần mềm không có giấy phép sử dụng thuộc quyền sở hữu của các công ty phần mềm Adobe, Autodesk, Corel, Lạc Việt, Microsoft, Symantec và Tekla.
Ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ VHTTDL, cho biết, “Cả bốn công ty bị thanh tra lần này đều là các công ty lớn, thậm chí một công ty trong số này có vốn điều lệ hơn 200 tỉ đồng. Họ hoàn toàn có đủ khả năng để mua các phần mềm có bản quyền chính hãng. Qua cuộc thanh tra đột xuất lần này, chúng tôi muốn gửi lời cảnh báo các nhà doanh nghiệp khác là hãy sử dụng phần mềm có bản quyền hợp pháp.”
Theo luật pháp Việt Nam, hành vi vi phạm bản quyền phần mềm sẽ bị xử lý với mức phạt lên đến 500 triệu đồng.
Công ty tin học Lạc Việt và BKIS hoan nghênh hành động này của các cơ quan thực thi. Ông Hà Thân, Tổng giám đốc công ty tin học Lạc Việt và ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc an ninh cấp cao của BKIS, bày tỏ sự ủng hộ cho việc thực thi và cho rằng những cuộc thanh tra này tạo ra động lực cho các doanh nghiệp phần mềm đầu tư cho những sản phẩm mới.
Ông Hà Thân chia sẻ rằng, “Hành động cứng rắn này nhằm hạn chế triệt để hành vi sử dụng phần mềm không bản quyền của các doanh nghiệp, nó rất cần thiết cho ngành công nghiệp của chúng tôi, một lĩnh vực có sự cạnh tranh rất cao.Chúng tôi không muốn phải đối mặt thêm với thách thức từ vấn nạn vi phạm bản quyền phần mềm.” Ông còn lưu ý rằng, phần mềm Lạc Việt cũng nằm trong các sản phẩm vi phạm bản quyền lần này. “Thực tế đã chứng minh, công nghệ thông tin, được dẫn dắt bởi công nghiệp phần mềm, là đầu tầu cho phát triển kinh tế và sự thịnh vượng của hầu hết các ngành kinh tế khác. Giảm thiểu tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm có thể giúp tạo ra nhiều việc làm mới, nhiều sản phẩm sáng tạo và cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp, kích thích tiêu dùng vàcáckhoảnthu thuế cho nhà nước.”
Trong tháng 8/2008, Cục Bản Quyền tác giả Việt Nam, Thanh tra Bộ VHTTDL, Liên minh phần mềm doanh nghiệp (BSA) và Hiệp hội phần mềm Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ về chương trình hợp tác trong việc bảo vệ bản quyền phần mềm ở Việt Nam. Các cuộc thanh tra lần này là kết quả của chương trình hợp tác này.
Tiến sĩ Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VHTTDL chia sẻ: “Các hành vi xâm hại này phải được xử lý nghiêm về mặt hành chính hoặc hình sự tuỳ theo tính chất và mức độ xâm hại quyền. Nếu không nó sẽ tiếp tục lây lan, làm cho “con bệnh trầm kha” hơn, khi đó sẽ khó có thuốc để điều trị hữu hiệu.”
Tỉ lệ vi phạm bản quyền phầm mềm máy tính cá nhân tại Việt Nam trong năm 2010 là 83%, giảm 2% so với năm trước. Tỉ lệ trung bình vi phạm bản quyền phần mềm máy tính ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là 60%.
Ông Đào Anh Tuấn, đại diện của BSA cho biết rằng, “Vi phạm bản quyền không chỉ là một hành vi vi phạm pháp luật và phi đạo đức, mà còn tạo ra một lợi thế cạnh tranh không công bằng với lợi tức kiếm được từ các hành động phi pháp, trên công sức và nguồn đầu tư của các doanh nghiệp làm theo pháp luật, cố gắng thúc đẩy sản xuất và bảo mật trong ngành. Trách nhiệm của chúng ta là phải tạo nên một môi trường kinh doanh lành mạnh thông qua sự thúc đẩy tinh thần thượng tôn pháp luật và một sân chơi bình đẳng.”