Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Việt Nam đang hướng đến một nền kinh tế thấp Cacbon

(14:33:05 PM 03/10/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Sau gần 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về Ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã đạt được một số thành công nhất định trong hoạt động vận động các nhà tài trợ quốc tế, xây dựng kịch bản nước biển dâng

Ứng phó với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long -Ảnh minh họa
 

 

“ Nếu cách đây 3 năm ( 2008) quan điểm của Việt Nam trong Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu mới chỉ tập trung và thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu thì trong Dự thảo Chiến lược quốc gia và Biến đổi khí hậu lần này (2011) đang trình Chính phủ phê duyệt,  bên cạnh các hoạt động về ứng phó với biến đổi khí hậu chúng ta đã xác định tầm nhìn đến năm 2050 có xét đến 2010 là Việt Nam trở thành một quốc gia thịnh vượng, văn minh, phát triển bền vững với nền kinh tế thấp cabon”- Đó là chia sẻ của ông Lê Công Thành - Cục trưởng Cục khí tượng thuỷ văn và Biến đổi khí hậu- Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Hội thảo lần 2 của Việt Nam về Giải pháp ứng phó Biến đổi khí hậu được tổ chức vào ngày 1/10/2011 tại Hà Nội.

 

Sau gần 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về Ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã đạt được một số thành công nhất định trong hoạt động vận động các nhà tài trợ quốc tế, xây dựng kịch bản nước biển dâng, và đặc biệt là tính đến hết tháng 9 năm 2011 Việt Nam đã có 70 dự án EB (dự án theo cơ chế phát triển sạch và đủ điều kiện để cấp hạn ngạch khí thải - CERs) được quốc tế công nhận và Việt Nam trở thành 1 trong 10 quốc gia trên thế giới có số lượng dự án EB cao nhất.

 

Trong nước đã có 10 Bộ ban, ngành cùng 8 tỉnh, thành phố đã xây dựng xong kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời công tác truyền thông đã được triển khai mạnh mẽ, nếu chỉ 3 năm về trước người dân còn chưa hiểu biết nhiều về biến đổi khí hậu thì nay thuật ngữ này hầu như đã quá quen thuộc và những nhận biến của xã hội về những tác động và ảnh hưởng mà nó mang lại.

 

Dự thảo Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu lần này đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã thể hiện rõ quan điểm của Việt Nam trong hành động ứng phó với Biến đổi khí hậu. Với định hướng cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, các hoạt động sản xuất và tiêu thụ năng lượng sẽ tăng cường mạnh mẽ, đặc biệt là trong công nghiệp, giao thông vận tải, phát triển đô thị, làm tăng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam.

 

Trước những thách thức như vậy Dự thảo đã xác định Ứnng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam phải gắn liền với phát triển bền vững, hướng tới nền kinh tế thấp cabon, tận dụng các cơ hội để đổi mới tư duy phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và sức cạnh tranh của quốc gia. Theo đó phải tiến hành đồng thời các hoạt động thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, trong đó ở thời kỳ đầu thích ứng là trọng tâm, đặc biệt chiến lược về biến đổi khí hậu có tầm nhìn xuyên thế kỷ, là nền tảng cho các chiến lược khác.

 

Theo ông Lê Công Thành, Cục trưởng Cục Khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu- Bộ Tài nguyên và môi trường cũng cho biết: “ Trong 9 nội dung chiến lược mà Dự thảo đưa ra thì nội dung về Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính góp phần bảo vệ hệt hống khí hậu trái đất đã thể hiện rõ quan điểm của Việt Nam trong việc hướng đến phát triển một nền kinh tế thấp cabon. Theo đó, Việt nam sẽ rà soát qui hoạch và phát triển thuỷ điện hợp lý, đa mục tiêu, đến năm 2020 nâng cao giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao đảm bảo giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất xông nghiệp khoảng 42-45% và đến năm 2050 nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp áp dụng công nghệ cao lên 80%.

 

Đối với lĩnh vực giao thông vận tải, việc chuyển đổi sử dụng năng lượng mới, ít phát thải đạt 40% vào năm 2020 và 80% đến năm 2050… Còn trong lĩnh vực nông nghiệp phải thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp xanh sau mỗi 10 năm phấn đấu giảm phát thải 20% khí nhà kính đồng thời đảm bảo tăng trưởng ngành 20% và giảm tỷ lệ đói nghèo 20%. …Đến năm 2050 cùng với đảm bảo an ninh lương thực, năng lượng thì công tác phát triển khoa học và công nghệ cũng phải được nâng cao, phải đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này”.

 

Cũng theo ông Thành cho biết thì hiện nay theo tính toán Việt Nam phát thải khoảng 1,9 tấn CO2/đầu người nhưng dự kiến đến năm 2030 con số này sẽ là 5000 tấn CO2/đầu người. Như vậy đến năm 2025 Việt Nam cần phải có chính sách hết sức rõ ràng và giảm phát thải khí nhà kính là trọng tâm của chúng ta và định hướng phát triển nền kinh tế thấp cacbon là hoàn toàn đúng đắn, tuy nhiên để thực hiện được mục tiêu này theo đúng lộ trình Việt Nam rất cần sự chung tay và hỗ trợ của các tổ chức chính phủ, phi chính phủ trong và ngoài nước mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Minh Kỳ