Tôi tìm đến gia đình anh tại thôn Yên Ổn, xã Quang Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Vừa trò chuyện với chúng tôi, tay anh vừa thoăn thoắt xoay chiếc ống kính cỡ 18 - 55mm. Người đàn ông vừa bước sang tuổi 40 này có biệt tài chụp hình không cần... nhìn.
Khi chúng tôi thắc mắc tại sao lại biết lúc nào nên bấm máy, làm sao điều chỉnh khẩu độ xa gần?, anh giải thích: “Cũng nhờ mình tự tập luyện cả thôi, không thể nhìn được nên mình dựa vào cường độ âm thanh để xác định khoảng cách xa gần. Những lúc đó đòi hỏi sự tập trung rất cao, cần phải biết hình dung được bối cảnh sẽ lấy hình”, anh Biểu chia sẻ.
Với anh Biểu, nghề nhiếp ảnh dạo đến với anh cũng thật tình cờ. “Lúc đó mình đang hoạt động tại Câu lạc bộ Hội người mù huyện Hậu Lộc, một hôm nghe mọi người xôn xao có chương trình đào tạo nhiếp ảnh cho người khuyết tật, mình đăng kí ngay. Ban đầu các anh không đồng ý bởi mình bị khiếm thị thì làm sao chụp được ảnh. Sau nhiều ngày “lẽo đẽo” thuyết phục từng thành viên ban tổ chức, cuối cùng mình đã trở thành học viên khiếm thị duy nhất của lớp”, anh Biểu hứng khởi “khoe” chiến tích.
Bật mí về biệt tài của mình, anh Biểu nói: “Tôi nhờ người khác cài chế độ tự động cho máy, còn khoảng cách zoom xa gần tự mình đo bằng cảm giác. Tôi thường lựa chọn thời điểm nhân vật đang trò chuyện say sưa để bấm máy, ảnh sẽ sinh động hơn”.
Sau bốn năm gắn bó với chiếc máy ảnh, đến nay thương hiệu ảnh “Biểu mù” được khắp nơi trong huyện biết đến. Nhiều người không tin lời đồn đã vượt hàng trăm cây số đến tận nhà thử tay máy của anh: “Chỉ đến khi tận mắt chứng kiến tôi mới tin chuyện người mù chụp ảnh là có thật. Tôi rất khâm phục trước nghị lực phi thường của anh Biểu”, bác Bùi Văn Phú, một thương gia ở Hà Nội lặn lội vào xóm nhỏ Yên Ổn, xã Quang Lộc để thỏa lòng hiếu kì cho biết.
Giấy chứng nhận hoàn thành xong khóa học nhiếp ảnh tháng 10/2010 do Hội nhiếp ảnh Việt Nam cấp đạt loại khá.
Đề tài trong ảnh “Biểu mù” cũng hết sức độc đáo, đấy chính là những cảnh đời kém may mắn, là những đứa trẻ em mồ côi …Lí giải cho “phom” đề tài này, anh Biểu cho bộc bạch: “Mình muốn những bức hình đó sẽ là bức thông điệp gửi đến cộng đồng xã hội. Mong mọi người cảm thông với hoàn cảnh của người khuyết tật, giúp họ vượt lên số phận và sớm hòa nhập cộng đồng”, anh Biểu rơm rớm nước mắt.
Sức mạnh từ các con
Kể về quá khứ đau thương của mình, anh Biểu tự hào vì có một gia đình, vợ thảo con ngoan, dù phải lao động cực nhọc nhưng lòng anh lúc nào cũng đầy ắp niềm vui. Nhớ đến đây, khuôn mặt anh Biểu cúi xuống, anh không ngờ rằng câu nói chua chát “sinh nghề tử nghiệp” lại quá an bài với mình đến vậy. “Hồi đó tôi học thêm nghề sửa ti vi tại nhà mong kiếm thêm thu nhập đỡ đần gia đình. Trong một lần đang sửa máy bị bụi kẽm bay vào mắt nhưng do không có tiền thuốc thang nên mắt tôi mờ dần. Đến nay không còn thấy đường nữa.”, anh Biểu nghẹn ngào.
Nhìn vào cách anh Biểu hướng dẫn con chụp ảnh không ai nghĩ anh là một người “khiếm thị”.
Hoàn cảnh càng trở nên bi đát khi anh Biểu đang là lao động chính của một gia đình đông người. Bố mẹ già, vợ trẻ và con nhỏ, năm miệng ăn trông chờ ở đôi vai lực lưỡng của anh Biểu. Chỉ hơn một năm sau khó khăn thêm chồng chất trên vai anh, đứa con trai đầu của vợ chồng anh bị thiểu năng trí tuệ, trong khi cô con gái thứ hai bị cận thị bẩm sinh. “Tôi không còn xác định được mục đích sống của mình là gì nữa, sao số phận lại nghiệt ngã đến thế. Nếu không nghĩ đến tương lai các con tôi cũng không thiết sống nữa”, anh Biểu bộc bạch.
Chính những đứa con đã tiếp thêm sức mạnh để anh Ngô Văn Biểu vượt lên số phận bi đát. Hiện tuy không nhìn thấy nhưng anh Biểu vẫn phụ giúp vợ công việc nội trợ gia đình, bày vẽ cho hai con học. Anh Biểu còn là chủ nhiệm của Câu lạc bộ “Vì Màu Xanh Tương Lai” với hơn 100 hội viên là những người khuyết tật, trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Cơ sở sản xuất tăm tre, chiếu tre … ngay tại nhà anh đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm hoàn cảnh khó khăn. “Sắp tới tôi sẽ mở rộng quy mô sản xuất để tiếp nhận thêm nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, các em nhỏ bị dị tật bẩm sinh”, anh Biểu ấp ủ.
Anh Biểu đang sắp xếp lại những tác phẩm đã chụp được.
Bà Nguyễn Thị Thanh, 60 tuổi bị mù bẩm sinh là thành viên Câu lạc bộ “Vì Màu Xanh Tương Lai” tâm sự: “Từ khi tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ, tôi không chỉ có thu nhập cải thiện cuộc sống mà tinh thần cũng thấy thanh thản và thoải mái rất nhiều, tôi thấy cuộc sống vẫn còn rất tươi sáng”.
Năm 2009 trong số 91 bức ảnh tham gia triển lãm “Đối mặt” của 16 “nhiếp ảnh gia khuyết tật” tại Viện Goethe Hà Nội (triển lãm do Tổ chức Dịch vụ Phát triển Đức - DED phối hợp với Hội Người khuyết tật và trẻ em mồ côi Thanh Hóa tổ chức), riêng anh Biểu có tới 14 bức ảnh. Tại triển lãm ảnh “Vượt Dốc” vừa diễn ra tại Thanh Hóa “phó nháy” Ngô Văn Biểu cũng có đến 6 bức ảnh được chọn và đánh giá rất cao. Anh Ngô Văn Biểu đã chính thức được Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam - Chi hội Thanh Hóa trao giấy chứng nhận “Đã học xong chương trình nâng cao kĩ thuật nhếp ảnh cho người tàn tật” với xếp loại bậc khá. Đây là một nỗ lực phi thường của “Biểu mù”.
|
Thái Bá - Duy Tuyên (Dân trí)