Nói về ý tưởng để làm ra công cụ này, Duy chia sẻ: “Mỗi khi đi học về dưới cái nắng chang chang như đổ lửa, chứng kiến những người công nhân dầm mình trong dòng nước cống đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặc dùng tay vét bùn, móc rác thông cống để giữ gìn cho đường phố sạch đẹp em thấy thương họ làm sao. Vì vậy, em muốn tạo ra một công cụ thay cho bàn tay để giúp những người công nhân vệ sinh đỡ vất vả hơn”.
Nguyễn Vương Thanh Duy và công cụ “Bàn tay sạch” - Ảnh: Lê Thanh
|
Không những thế, khi dùng tay móc cống họ còn phải đối mặt với những nguy hiểm khó lường như chẳng may bốc phải kim tiêm của những người chích ma túy, miểng chai và ngửi phải các loại hóa chất độc hại, xác chết dơ bẩn chứa đầy mầm bệnh.
Cấu tạo của “Bàn tay sạch” được thiết kế dựa trên nguyên lý đòn bẩy chéo giống như một cái kéo. Cán cầm là hai chiếc ống rỗng lồng vào nhau rất linh hoạt và một hàm gắp dùng để hốt bùn, gắp rác thải tương tự giống như những chiếc máy cạp múc bùn, đất mà ta thường thấy ở các công trình làm cầu đường.
Thiết bị thao tác rất dễ dàng, hiệu quả gấp 4 lần khi người công nhân vệ sinh dùng tay bình thường. Hơn nữa, khi một người công nhân vệ sinh leo xuống cống hốt bùn và rác thải thì phải cần thêm một người ngồi ở trên miệng cống kéo rác lên.
Duy trăn trở: “Giá thành để sản xuất ra công cụ này rất rẻ, chưa tới 200 ngàn đồng, vì vậy em hy vọng các công ty vệ sinh môi trường sẽ trang bị cho những công nhân vệ sinh, nhất là những công nhân móc cống, ứng dụng công cụ này để họ đỡ vất vả và tránh được những nguy hiểm khi làm việc”.
Lê Thanh ( Thanh niên)