Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Biến đổi khí hậu toàn cầu và giải pháp ứng phó của Việt Nam

(14:24:49 PM 01/10/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Hôm nay (1/10), Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức hội thảo “Biến đổi khí hậu toàn cầu và giải pháp ứng phó của Việt Nam” với sự tham gia của đại diện nhiều hội, ban, ngành.

Ảnh minh họa


Đây là hội thảo lần thứ 2 về biến đổi khí hậu với nhiều vấn đề liên quan được nghiên cứu như chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, các kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam, biến đổi khí hậu và vấn đề công nghệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực biến đổi khí hậu….


Dưới tác động của biến đổi khí hậu, tần suất và cường độ thiên tai ngày càng gia tăng gây nhiều tổn thất lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng về kinh tế, văn hóa, xã hội, tác động xấu đến môi trường. Việt Nam đang có 3 kịch bản phát thải ở các mức thấp, trung bình và cao. TS. Nguyễn Văn Thắng, Viện Khí tượng, Thủy văn và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng: Việc triển khai, xây dựng và thực hiện các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu không nhất thiết phải tiến hành đại trà ở quy mô thế kỷ mà cần phải có sự phân kỳ thực hiện; cần xác định được mức độ ưu tiên dựa trên nhu cầu thực tiễn, nguồn lực có được trong từng giai đoạn để lựa chọn kịch bản phù hợp nhất. Kịch bản thấp và kịch bản trung bình có thể được áp dụng đối với các tiêu chuẩn thiết kế cho các công trình mang tính không lâu dài và các quy hoạch, kế hoạch ngắn hạn; kịch bản cao cần được áp dụng cho các công trình mang tính vĩnh cửu, các quy hoạch, kế hoạch dài hạn.


Việc sử dụng kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam trong đánh giá tác động và xây dựng kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu cần được xem xét và lựa chọn phù hợp với từng ngành, lĩnh vực và địa phương dựa trên các tiêu chí về tính đặc thù, đa mục tiêu, hiệu quả nhiều mặt, tính bền vững, khả thi, khả năng lồng ghép với các chiến lược, chính sách và kế hoạch phát triển. Khi áp dụng kịch bản, các bước cần được thực hiện gồm: Xác định các thông số khí hậu quan trọng đối với ngành, chọn kịch bản cho từng địa phương từ kịch bản quốc gia. Các mô hình thủy văn, thủy lực và đánh giá tác động phải được sử dụng nhằm cung cấp những thông tin đầu vào quan trọng khác như sự thay đổi chế độ dòng chảy, ngập lụt, xâm nhập mặn, nước dâng do bão, biến đổi đường bờ… để xây dựng và triển khai kế hoạch hành động. Các đánh giá tác động và khả năng bị tổn thương cần được rà soát, cập nhật khi các kịch bản mới được công bố.



Minh Nguyệt