Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Trong báo cáo công bố hôm qua, World Bank dự báo kinh tế và thương mại toàn cầu sẽ tăng trưởng âm trong năm 2009, lần đầu tiên kể từ Thế chiến thứ 2. Trong đó, các quốc gia đang phát triển sẽ thâm hụt từ 270 đến 700 tỷ USD trong năm nay.
Robert B. Zoellick, chủ tịch World Bank. Ảnh: daylife |
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới được công bố hôm Chủ nhật, là tài liệu chuẩn bị cho Hội nghị G20 sẽ diễn ra tại London ngày 13-14/3 sắp tới. Theo World Bank, sức ảnh hưởng của suy thoái kinh tế không giống nhau ở từng quốc gia. Dầu và một số hàng hóa giảm giá mạnh tạo ra cả người thắng lẫn thua cuộc. Tuy nhiên, các nước đang phát triển bị tác động mạnh với tổng thâm hụt ít nhất 270 tỷ USD, và sẽ còn tăng lên 700 tỷ USD trong một hoặc hai năm tới.
Đánh giá của Ngân hàng Thế giới bi quan hơn tất cả dự báo của nhiều chuyên gia nghiên cứu độc lập trước đó. Tuy không đưa ra chi tiết, nhưng các nhà kinh tế của Ngân hàng Thế giới hứa sẽ tiếp tục công bố con số cụ thể vài tuần nữa.
Từ trước đến nay, ngay cả những nhà dự báo bi quan nhất, cũng cho rằng ít ra kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng đôi chút trong năm nay. Cuối tháng 1 vừa rồi, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu 2009 là 0,5 phần trăm, mức thấp nhất trong vòng 60 năm.
Trong báo cáo, Ngân hàng Thế giới cho rằng cuộc khủng hoảng toàn cầu, bắt đầu bằng khủng hoảng cho vay thế chấp tại Mỹ đã ảnh hưởng nặng nề tới những nước nghèo, kể cả những quốc gia không có mối liên hệ nào với cho vay thế chấp tại Mỹ. Tăng trưởng kinh tế của các nước thuộc châu Mỹ Latinh, châu Phi và Đông Á bị kìm hãm, thị trường tín dụng cũng trì trệ theo.
Một số quốc gia đang phát triển có những đột phát trong mấy năm gần đây, nhưng nay bị tàn phá nặng do kim ngạch xuất khẩu xuống dốc, giá hàng hóa liên tục giảm nhanh, vốn đầu tư nước ngoài và thị trường tín dụng bị suy yếu.
Các nước Đông Âu như Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Séc bị tác động mạnh do xuất khẩu vào Tây Âu sụt giảm. Khu vực Đông Á đang trải qua những ngày tháng khó khăn. Nhu cầu hàng hóa giá rẻ tại thị trường Mỹ đã giảm, ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp lên các quốc gia khu vực này.
Robert B. Zoellick, Chủ tịch WB thuyết phục các nước giàu thành lập quỹ rủi ro để dành giúp đỡ những nước khác. Ông Zoellick nói: “Cuộc khủng hoảng toàn cầu chỉ có thể giải quyết bằng một giải pháp toàn cầu. Điều quan trong là phải ngăn chặn những thảm họa kinh tế tại các quốc gia đang phát triển, để vượt qua thời kỳ khó khăn này. Chúng ta cần vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng, vào những công ty vừa và nhỏ để tạo ra nhiều việc làm, ngăn chặn bất ổn xã hội và chính trị”.
Theo đề xuất, Ngân hàng Thế giới gợi ý mỗi nước giàu dành 0,7 phần trăm trong ngân sách gói kích thích để giúp đỡ những nước nghèo hơn ổn định lại kinh tế.
(Theo New York Times, VnExpress)