Kết quả nghiên cứu trên vừa được các nhà khoa học Pháp trình bày tại Hội thảo hàng năm của Hiệp hội Hô hấp châu Âu, tổ chức tại Amsterdam (Hà Lan).
Tiếp xúc thường xuyên với loài dê có thể làm tăng nguy cơ mắc một loại ung thư phổi hiếm gặp.
So với các dạng ung thư phổi khác, ung thư tuyến phổi dạng viêm phổi (P-ADC) không mấy liên quan đến hút thuốc lá. Trước đây, trong quá trình nghiên cứu những nguyên nhân gây bệnh này, các nhà khoa học đã phát hiện nhiều điểm tương đồng giữa bệnh P-ADC với một bệnh nhiễm virus tạo ra các khối u trong phổi cừu. Với những điểm giống nhau này, nhóm nghiên cứu trên đã tập trung tìm hiểu xem liệu có tác nhân virus nào ở loài cừu và dê có thể dễ dàng lây truyền sang những người tiếp xúc nhiều với hai loài vật này hay không, khiến họ dễ mắc bệnh P-ADC.
Nhóm tác giả trên đã khảo sát 44 bệnh nhân mắc bệnh P-ADC và 132 người không mắc bệnh này. Tất cả những người tham gia đều được phát bản câu hỏi đánh giá về nhiều nhân tố nguy cơ, trong đó có tình trạng hút thuốc, tiền sử mắc bệnh ung thư và mức độ tiếp xúc với dê.
Kết quả cho thấy những người tiếp xúc thường xuyên với dê trong suốt cuộc đời có nguy cơ mắc bệnh P-ADC cao gấp 5 lần so với những dạng ung thư phổi khác. Ngoài ra, bệnh P-ADC đặc biệt liên quan đến phụ nữ và cả những người chưa bao giờ hút thuốc hoặc có bất kỳ tiền sử mắc bệnh ung thư nào.
Tiến sĩ Nicolas Girard ở bệnh viện Louis Pradel nói: “Các nhà khoa học đã chú ý đến sự tương đồng giữa P-ADC với virus truyền bệnh ở cừu trước đó. Điều này khiến chúng tôi phát hiện ra khả năng tiếp xúc với gia súc có thể khiến con người dễ mắc phải P-ADC hơn. Việc tiếp xúc với dê có thể là nguy cơ rủi ro đối với dạng ung thư phổi này, tuy nhiên cần phải có nhiều nghiên cứu hơn nữa để có thể đánh giá các nguy cơ tiềm ẩn khác đối với căn bệnh này”.