Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Thủy điện hay bảo tồn ?

(15:05:12 PM 30/09/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-"Định giá" dự án thủy điện Đồng Nai 6, Đồng Nai 6A hay bảo tồn Vườn quốc gia Cát Tiên trong bối cảnh phát triển bền vững đã được các nhà khoa học đưa ra bàn thảo tại Hội thảo "Các vấn đề môi trường liên quan đến Dự án thủy điện ĐN6 và 6A", do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) tổ chức ngày 30/9, tại Hà Nội.


nên "Định giá" dự án thủy điện Đồng Nai 6, Đồng Nai 6A hay bảo tồn Vườn quốc gia Cát Tiên ? -Ảnh minh họa

 

Hai dự án ĐN6 và 6A nằm trong quy hoạch khai thác bậc thang thủy điện sông Đồng Nai, do Công ty cổ phần tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư. Sản lượng điện 929,16 triệu KWh. Diện tích chiếm đất VQG Cát Tiên là 136,98 ha.

Dư luận xã hội có rất nhiều ý kiến về 2 dự án này, chủ yếu tranh luận về tác động đến VQG Cát Tiên thông qua hội thảo và các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhận định chung vẫn là ĐN6 và 6A tuy có gây tác động xấu nhất định đến môi trường và đa dạng sinh học VQG Cát Tiên, nhưng ảnh hưởng không lớn và cái được là chính. Dự án thủy điện có thể thực hiện được với những giải pháp giảm thiểu tác động môi trường thích hợp.

Trên cơ sở phân tích sự "đánh đổi" của 2 dự án ĐN6 và 6A với nguyên tắc đảm bảo sự hài hòa các phúc lợi kinh tế - xã hội và môi trường, PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Ban Phản biện Xã hội của VACNE cho rằng: Có nhiều lo ngại như dự án gây hại cho đa dạng sinh học khu Cát Lộc, khu đất ngập nước Bàu Sấu, cạn nước cho thủy điện Trị An, gia tăng lũ và hạn cho vùng hạ lưu đập, nhất là huyện Cát Tiên (Lâm Đồng), mất rừng làm gia tăng khí nhà kính và khả năng chống lũ của rừng, giảm mực nước ngầm khu vực hạ lưu sông sẽ tạo cơ hội cho nước mặn xâm lấn gây thiệt hại cho hàng triệu dân vùng hạ lưu…

Khu Cát Lộc rộng gần 31.000 ha, phần sẽ bị ngập nước do thủy điện rộng gần 137 ha, chiếm 0,44% diện tích khu Cát Lộc, trên thực tế chỉ làm giảm chút ít nơi kiếm ăn của động vật Cát Lộc, rất ít ảnh hưởng đến nơi cư trú của động vật. Phần diện tích sẽ bị ngập tuy có một số loại thực vật quý nhưng không nhiều do nơi đây là vùng bị rải chất diệt cỏ trong chiến tranh, phần lớn là sinh cảnh rừng mọc lại, lồ ô và cây bụi, lại bị khai hoang làm nương rẫy nhiều. Ngay cả trước đây khi chưa có thủy điện trên sông Đồng Nai, huyện Cát Tiên đã là “rốn lũ” của Lâm Đồng do mưa tại Cát Tiên là 2.800 - 3.000 mm/năm. Thánh địa Cát Tiên không có nguy cơ bị ngập lũ, đặc biệt sau khi có thủy điện Đại Ninh chuyển nước về Bình Thuận…

PGS.TS Nguyễn Đình Hòe đánh giá: hai công trình ĐN6 và 6A ít gây gián đoạn dòng chảy cho hạ lưu. Việc xây dựng tuy có ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, nhưng ít ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực bảo tồn tê giác và sinh cảnh Bàu Sấu của VQG Cát Tiên. Các mục tiêu cơ bản của VQG Cát Tiên vẫn được đảm bảo do diện tích chuyển mục đích không lớn và kéo dài theo dải hẹp dọc sông Đồng Nai là ranh giới ngoài của Vườn. Chủ đầu tư cần phải và có khả năng trồng lại diện tích rừng này ngay tại khu Cát Lộc và các diện tích mất rừng phòng hộ khác. Chủ đầu tư phải có khả năng và giải pháp cải thiện để giảm thiểu tác động tiêu cực đến mức chấp nhận được, cũng như xem xét các giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực và nâng cấp chất lượng báo cáo đánh giá tác động môi trường…


 

Theo TTXVN