Ảnh minh họa
Chị Nguyễn Thu Hằng, phố Tân Mai (Q.Hoàng Mai) kể, trận lụt năm 2008 ở Hà Nội đã khiến khu nhà chị ngập sâu trong nhiều ngày, mọi lương thực trong nhà được huy động tối đa nhưng rốt cuộc vẫn bị đói. “Rút kinh nghiệm những lần trước chỉ nghe thông báo có bão là gia đình đã chuẩn bị đồ ăn nguội, đồ khô, ít củ, quả để dự phòng cho cả nhà. Nếu ngập nước thì chắc cũng chỉ 2-3 ngày, nhưng sau đợt mưa ngập giá cả thực phẩm cũng tăng vọt nên tốt nhất món gì trữ được thì cứ mua để đó. Lo trước chẳng thừa”, chị Hằng phân trần.
Còn chị Thu Hà, nhà ở phố Huỳnh Thúc Kháng cho biết đã từ lâu, hễ nghe đài báo đưa tin có mưa to, bão lớn ảnh hưởng tới Hà Nội thì việc đầu tiên chị nghĩ tới là đi chợ mua sẵn đồ ăn. “Có thực mới vực được đạo, cứ mua về để đấy, chẳng đi đâu mất mà sợ”, chị Hà giải thích.
Theo các chuyên gia, do điều kiện địa lý ở nước ta cùng với những tác động của con người vào thiên nhiên, nên bão lũ vẫn còn và sẽ là những thảm họa thường xuyên xảy ra. Để đối phó với bão lũ, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, cần thiết phải tính toán, sẵn sàng có một lượng dự trữ về lương thực, thực phẩm, nước uống.
Mặc dù việc thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong vùng bị lũ lụt là rất cần thiết, song rất khó khăn và phức tạp. Trong lúc thiếu thốn thực phẩm, nước sạch, người ta chú ý nhiều đến ăn no mà ít chú ý đến vệ sinh thực phẩm bằng những ngày bình thường.
Trường hợp lụt lội, lũ kéo dài, thực phẩm tồn trữ đã mốc, ôi thiu; chợ không thể họp, giao thông vận chuyển khó khăn, có tiền cũng bó tay. Khi đó có mà ăn đã là tốt lắm rồi. Nguồn nước sạch không còn, giếng bị ngập, tất tật mọi nhu cầu sinh hoạt (kể cả uống) đều dùng chính nước lũ, chưa kể tới chất đốt, củi lửa không kiếm đâu ra, các phương tiện để bảo quản đều gặp khó khăn. Cầu quá cao cung quá thấp, nếu không xem kỹ hàng hoá sẽ dễ mua phải thực phẩm kém chất lượng, độc hại (thịt gia súc chết ướp hóa chất bảo quản, mỳ chính giả hiệu, nước mắm hết hạn hoặc đã bị ô nhiễm vi sinh) khiến bệnh dịch phát sinh.
Trong trận lụt năm 2008 ở Thủ đô Hà nội - việc cung cấp lương thực thực phẩm sạch, an toàn cho người dân vô cùng khó khăn. Mỳ tôm, bánh mỳ, nước đóng chai... lỉnh kỉnh, khó có thể tiếp tế đến tận tay từng người đang kẹt trong từng ngõ hẻm, thậm chí cả trên các mái nhà, ngọn cây... Nhiều người dân phải nhịn đói, khát mấy ngày liền, không thể nhận cứu trợ, vớ gì ăn nấy.
Ngay chính ở đồng bằng sông Cửu Long, người dân đã từng quen sống chung với lũ lụt, biết “đón” lũ đến, “tiễn” lũ đi, thế mà vẫn không thể hoàn toàn bảo đảm được vấn đề vệ sinh thực phẩm khi lũ tới. Theo kinh nghiệm của một số người dân đã nhiều lần trải qua bão lũ, loại thực phẩm khá an toàn và có thể dự trữ lâu dài , dễ bảo quản và sử dụng đơn giản, nhanh chóng - là bánh “lương khô”, gói ruốc (chà bông) thịt hoặc cá, mấy viên đạm tổng hợp, mấy viên kẹo gừng... được đóng gói trong 1 bao ni-lông dày, rất tiện dụng và đầy đủ dinh dưỡng (người bình thường mỗi bữa chỉ cần ăn 1 phong gồm 2 bánh là no). Khi bão lụt sắp xảy đến, mỗi người có thể mang theo 1 túi lương khô, khi cần dùng là có ngay.
Vấn đề nước uống cũng có thể kết hợp đồng thời, bằng cách để sẵn trong túi lương khô mấy viên thuốc khử trùng, khử độc trong nước, hoặc một gói cloramin B làm nước trong và tiệt trùng - khi cần có thể xử lý để uống ngay tại chỗ (rất phù hợp cho vùng lũ).
Trong mùa mưa bão, trước tiên phải có đủ nước sạch để dùng. Nếu có điều kiện thì phải đun sôi hoặc dùng nước đóng chai, đóng hộp, nước đã khử trùng. Đối với thực phẩm phải ăn thức ăn chín hoặc đồ hộp, tuyệt đối không ăn uống các loại thực phẩm đã mốc, biến chất. Khi khó khăn thiếu thốn, cần có sự tiếp viện từ tuyến sau, không ăn thịt các loại gia súc, gia cầm chết. Để dự trữ thực phẩm tươi sống, rất cần rửa sạch và đóng gói, trữ trong tủ đá, thùng kín đặt trên kệ cao để khi cần dùng có thể sử dụng ngay.
Theo Ngọc Hà
Sức khỏe & An toàn thực phẩm