Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Nhiều nhũ đã rất giá trị đã bị đập phá . Ảnh: Duy nghĩa |
Vô tư phá
Khi công nhân của liên doanh Thăng Long - Hồng Hà phá đá để thực hiện nâng cấp quốc lộ 3B đoạn qua đèo Áng Toòng đã phát lộ một cửa hang rộng, đi vào trong hang gặp nhiều nhũ đá đẹp óng ánh như có sa khoáng quý. Tiếng đồn vang xa, kể từ cuối tháng 7-2011 đến nay, mỗi ngày có vài chục, thậm chí có lúc lên đến hơn trăm người tìm đến hang. Họ vô tư đập, chặt, cưa nhũ đá mang về. Nhũ đá trở thành một món hàng có giá: có người bán được tiền triệu. Người không muốn bỏ tiền mua thì cứ đến, tìm cách chặt, đục để đem về bày ở tủ trong nhà cho đẹp. Chúng tôi gặp mấy em học sinh rủ nhau đi pic-nic đến Thác Bạc gần đó, cũng hiếu kỳ kéo nhau vào hang, mỗi em đập lấy mấy nhũ đá đem về khoe với các bạn khác. Trên đường vào hang, dễ dàng thấy nhiều mảnh vụn do những kẻ “nhũ tặc” để lại. Trong hang, ở nhiều gốc nhũ, nốt chặt còn mới nguyên đang toát mồ hôi trong tiết trời ẩm cuối mùa mưa.
Sau khi phát hiện hang, Ban thi công đoạn đường đã báo cáo chính quyền xã. Nhận được tin báo của xã Xuất Hoá, Sở VH-TT&DL đã cử một đoàn cán bộ xuống thực địa, đánh giá sơ bộ giá trị tài nguyên của hang. Kết quả làm việc của đoàn cho thấy: Hang có nhiều tầng, chỗ cao nhất của trần hang trên 50m, lòng hang chỗ rộng nhất, chiều ngang trên 20m. Đặc biệt, trong hang có nhiều nhũ đá theo dạng măng đá mọc ở dưới lên, mầm đá rủ từ trên xuống, cột nhũ, rèm nhũ với nhiều dạng khác nhau và màu sắc cũng đa dạng: trong suốt, trắng, xám, dưới ánh đèn flat óng ánh lên nhiều màu đẹp như pha lê. Nhiều nhũ đá có hình giống san hô ở biển rất đẹp.
Sau kết quả khảo sát ban đầu, một đoàn công tác của tỉnh do ông Triệu Đức Lân, Phó chủ tịch tỉnh cùng Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, sở Tài nguyên môi trường, sở Kế hoạch đầu tư, sở Giao thông vận tải đã xuống thực địa để tìm phương hướng bảo vệ hang động quý này. Bà Ngôn Thị Ngọc, phó trưởng phòng Du lịch, sở VH-TT &DL Bắc Kạn tham gia chuyến đi cho biết: Đoàn vào sâu được chừng 50m thì phải dừng lại do thiếu phương tiện chiếu sáng và bảo hộ chuyên dụng. Trông thấy những nốt chặt vẫn còn mới mình rất tiếc. Người ta còn trùm bạt để “găm hàng” và buộc dây thừng quanh nhũ đá để chuẩn bị cưa, chặt. So với những hình ảnh đoàn công tác trước mang về thì lần này, nhiều măng đá đẹp đã không còn và nhiều khối nhũ đang bị đe doạ. Đơn vị thi công đã xếp đá chặn cửa hang nhưng người dân vẫn có thể trèo qua, biện pháp này không ngăn cản được những “nhũ tặc”.
Anh Minh - người dân ở cách hang chừng 300m cho biết: gần đây cảnh nườm nượp kéo nhau vào hang tìm nhũ đá mang về không còn nữa. Nhưng vẫn có người mang những đồ cưa chặt chuyên dụng vào hang. Họ lấy ra nhiều nhũ đá to và rất đẹp mà không bị ai ngăn cản.
Chờ văn bản?
Ngay khi phát hiện ra hang động, Ban điều hành dự án thi công nâng cấp, cải tạo đường quốc lộ 3B đã báo cho chính quyền xã Xuất Hoá. Nhưng vì hang nằm ở địa giới giữa hai xã Xuất Hoá của thị xã Bắc Kạn và Tân Sơn của huyện Chợ Mới, nên chính quyền xã không đủ thẩm quyền giải quyết mà phải báo cáo lên cấp trên. Khi đoàn công tác của sở VH-TT&DL xuống thực địa cũng là lúc nạn “nhũ tặc” đang lên cao. Đoàn công tác lại chỉ xem xét, đánh giá giá trị của hang động mà không đủ thẩm quyền quản lý, bảo vệ tài nguyên quý hàng nghìn năm tuổi này.
Ảnh : Duy nghĩa. |
Đoàn công tác liên ngành của tỉnh xuống khảo sát, sau đó đưa ra một vài phương án như: giao cho chính quyền xã tổ chức bảo vệ, tuyên truyền cho mọi người về giá trị của tài nguyên, để nhân dân có được nhận thức rằng đó là một tài sản quý hiếm của cả cộng đồng; để hiện thực hoá tiềm năng du lịch của hang động sẽ giao cho một đơn vị quản lý, giữ gìn và khai thác phục vụ đông đảo bà con. Phương án tạm thời và bây giờ đang áp dụng là lấp cửa hang, chờ tiếp tục khảo sát, tư vấn để đưa vào sử dụng hợp lý.
Tuy nhiên, không rõ vì sao, đến giờ vẫn không có một lực lượng chính thức nào bảo vệ hang, và những “nhũ tặc” chuyên nghiệp vẫn ra vào hoạt động như chỗ không người.
Về mặt quản lý nhà nước, bà Ngọc cho biết: “Nếu hang đó đã được công nhận, ra văn bản quy phạm để bảo vệ rồi mà người ta tự ý vào khai thác thì mới là vi phạm và bị xử lý. Mình chưa đưa vào danh mục quản lý, bảo vệ nên thấy thì tiếc vậy thôi còn để xử lý thì chưa có cơ sở. Thông thường ở địa bàn nào có tài nguyên như vậy thì việc xác định nó là loại tài nguyên gì, có hướng sử dụng thế nào, đưa vào làm điểm du lịch hay bảo tồn thì mới giao cho chính quyền địa phương và các sở ban ngành có liên quan cùng bảo vệ. Nhân dân cũng có trách nhiệm đó”.
Tuy nhiên để chờ đến ngày có văn bản để được bảo vệ thì những nhũ đá hàng nghìn năm tuổi, đẹp óng ánh những sa khoáng quý này liệu có còn?
Hải Sinh (Tiền phong)