Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ô nhiễm tấn công người dân
Chủ tịch HĐND xã Hiệp Phước, bà Hồ Thị Thanh Sương, nói: “Người dân nuôi tôm thẻ chân trắng lấy phải nước ô nhiễm khiến tôm chết hàng loạt. Khu vực này chưa có nước máy, vì thế nước mưa là nguồn chính, người dân vẫn hứng để uống. Nhưng hiện nay không ai dám hứng nữa vì trời mưa xuống nước đen kịt, chính khói bụi từ các công ty đã ảnh hưởng đến nguồn nước mưa của người dân”. Ông Võ Văn Tại, người dân ấp 1, xã Hiệp Phước, bức xúc: “KCN quy tụ đủ các ngành nghề từ thuộc da, hóa chất, điện, sơn…, mùi hôi thối liên tục tấn công người dân cả đêm lẫn ngày”.
Để nhượng đất xây KCN Hiệp Phước, người dân xã Long Thới đã phải di dời đến khu tái định cư 26 ha (cũng tại xã Long Thới) do Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp Tân Thuận làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay, khu tái định cư này đang đứng trước nguy cơ trở thành ổ dịch bệnh, gây bất an cho người dân. Nguyên nhân vì hệ thống thoát nước trong khu tái định cư này bị tắc, tạo thành các vũng nước tù đọng, hôi thối và phát sinh nhiều mầm bệnh.
Sợ doanh nghiệp xả bậy
Hiện nay, KCN Hiệp Phước có 75 doanh nghiệp (DN) với khá nhiều ngành nghề gây ô nhiễm nặng, như: xi mạ, dệt nhuộm, hóa chất, vật liệu xây dựng… 100% DN đã đấu nối về hệ thống xử lý nước thải tập trung, công suất 3.000 m3/ngày đêm nhưng vẫn còn khoảng 10 DN xử lý cục bộ vượt tiêu chuẩn tiếp nhận. Nước thải các ngành thuộc da, thủy sản có hàm lượng nitơ cao gây khó khăn cho trạm xử lý nước thải tập trung. Theo quy định, DN phải xử lý cục bộ đạt tiêu chuẩn C thì trạm mới xử lý ra tiêu chuẩn B. Nếu DN không xử lý được C thì trạm cũng không thể làm được. Dù vậy, theo ông Nguyễn Xuân Hán, Chủ tịch HĐQT Công ty CP KCN Hiệp Phước, KCN không thể ngưng tiếp nhận nước thải vì “sợ” các DN này sẽ xả bậy ra môi trường. Riêng về khói bụi và mùi hôi thì hoàn toàn không thể xử lý được vì KCN không có hệ thống thu gom, xử lý.
Trước tình hình đó, bà Trương Thị Ánh, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM, yêu cầu các đơn vị quản lý cũng như KCN phải tính đến một giải pháp cứng rắn hơn là xử phạt nhằm chấm dứt tình trạng liên tục tái phạm hành vi gây ô nhiễm môi trường của DN.
KCN phải đầu tư xử lý nước thải
Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM, khẳng định: “Theo quy định, KCN phải đầu tư và quản lý hệ thống xử lý nước thải. Đó là trách nhiệm của KCN, không thể bàn giao cho TP. Bên cạnh đó, các KCN không thể thu gom bụi và mùi hôi nhưng quy định tiêu chuẩn xả thải không khí đã có, các DN phải tự khắc phục, điều chỉnh cho phù hợp”.
Cũng theo ông Phước, Nghị định 88 của Chính phủ về thoát nước thải đô thị và KCN có quy định nếu DN xả thải vượt chuẩn quá 3 lần, KCN có quyền ngưng tiếp nhận, còn nếu DN xả bậy ra môi trường thì đã có các cơ quan quản lý xử phạt. |