Phác thảo lần 1 tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại Quảng Nam Ảnh: Văn phòng miền Trung
* Phóng viên: Sau khi Báo Người Lao Động số ra các ngày 14, 15, 16-9 đăng loạt bài “Xây tượng đài 410 tỉ đồng” phản ánh tỉnh Quảng Nam đang triển khai xây dựng công trình tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng với kinh phí hơn 410 tỉ đồng, hàng trăm bạn đọc đã gửi ý kiến tỏ thái độ không đồng tình, cho rằng đó là một sự lãng phí. Còn quan điểm của ông, với tư cách đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành?
- Ông Vi Kiến Thành: Nói quy mô lớn, kinh phí lớn thì phải căn cứ vào chuẩn nào đó. Phải có một cái gì đó làm chuẩn, căn cứ vào đó để nói nó lớn hay nhỏ. Lãng phí hay không cần phải có chuẩn, cứ nói chung chung là lãng phí thì rất khó.
Nếu nói về số tiền, nghe lớn như thế thì dư luận có thể sẽ phản ứng vì người ta không biết hơn 410 tỉ đồng ấy được dùng vào những hạng mục gì, cần phải cụ thể ra. Tôi được biết nó gồm rất nhiều hạng mục, trong đó phần mỹ thuật, thân tượng và 8 cột trụ biểu chỉ chiếm một phần, khoảng hơn 225 tỉ đồng. Số tiền 410 tỉ đồng được sử dụng cho nhiều khâu: giải phóng mặt bằng, thiết kế, thi công, không gian môi trường, cảnh quan… trong tổng thể công trình. Cách gọi của Việt Nam mình là công trình tượng đài nên nghĩ tất cả tiền đầu tư là cho việc xây tượng, kinh phí còn đầu tư cho rất nhiều điều khác. Tôi cũng tiết lộ là quy trình thẩm định công trình này rất chặt chẽ, bài bản, đơn giá định mức được Bộ Xây dựng xây dựng thành một bộ đơn giá riêng tính rất chi li. Giá thành cho các công trình dân dụng hiện nay đã là 14 - 15 triệu đồng/m2, trong khi công trình đặc biệt này khoảng 20 triệu đồng/m2, so với xây dựng dân dụng thì nó cũng không mấy khác biệt. Mọi người nói giá cao, tôi không hiểu cao trên cơ sở nào?
Nếu nói nhỏ - to, tức là đã có so sánh, mà so sánh trong lĩnh vực khác thì có thể sẽ có những điều đáng nói hơn rất nhiều. Với một công trình có ý nghĩa quốc gia như thế, cần nhìn một cách khách quan.
* Cao ở đây không phải là sự so sánh đắt, rẻ về đơn giá giữa công trình này hay công trình khác mà là số tiền quá lớn để đầu tư cho một tượng đài. Ông nghĩ sao về điều này?
- Nói thế sẽ rơi vào vô cùng. Mỗi công trình, sự kiện người ta làm đều có những tính toán, cân nhắc và được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tượng đài này được Chính phủ phê duyệt.
* Nhưng Chính phủ chỉ phê duyệt dự toán mấy chục tỉ đồng chứ không phải mức đội lên thêm 330 tỉ đồng như bây giờ?
- Thời điểm Chính phủ phê duyệt đã cách đây mấy năm và quy mô lúc ấy cũng chỉ là cấp tỉnh chứ chưa như bây giờ. Sau khi thấy nội dung ý nghĩa và tầm vóc của nó, công trình được nâng lên tầm quốc gia. Việc trượt giá vài năm cũng khiến giá bị đội lên. Một chi tiết nữa cũng cần nhấn mạnh là công trình đã thay đổi chất liệu từ sa thạch sang chất liệu đá hoa cương với độ bền vững gấp vài lần. Đây là công trình vĩnh cửu nên cần được đầu tư chất liệu tốt.
* Trước quan điểm của số đông cho rằng nên dùng số tiền khổng lồ này cho việc phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ông nghĩ sao?
- Tôi sẽ chọn cả hai phương án. Đó là hai khía cạnh, một là vật chất cụ thể, một là tôn vinh tinh thần. Không thể cụ thể hóa được.
* Nhưng nếu điều kiện chỉ cho phép để làm một việc?
- Đất nước ta có bề dày truyền thống yêu nước và sự đóng góp của các mẹ là rất lớn, không cho phép được chọn một thứ.
* Nếu phương án của ông là vậy thì có nghĩa là phải hạ thấp độ “khổng lồ” về kinh phí của tượng đài để có nguồn tiền lo phụng dưỡng các mẹ?
- Tôi đã nói từ đầu, căn cứ vào đâu để nói là công trình lớn?
* Căn cứ vào con số đầu tư cho một công trình tượng đài tại một tỉnh nghèo?
- Các bạn đã tính 1 km quốc lộ là bao nhiêu tiền chưa? Nếu so sánh như thế thì sẽ thấy con số này là đắt hay rẻ.
* Ông đã nói nhiều thứ lãng phí nhưng hạn chế được sự lãng phí nào thì tốt chút đó?
- Bản thân tôi chưa nhìn thấy sự lãng phí ở đây, đó là dư luận nói.
* Theo đánh giá của ông, tại sao việc xây dựng tượng đài luôn bị đội giá?
- Hãy chỉ cho tôi tượng đài nào một cách cụ thể.
* Tượng đài Điện Biên Phủ chắc chắn là một ví dụ sinh động!?
- Theo tôi, ở đây cần có một cái nhìn khách quan. Các công trình xây dựng phần lớn đều đội giá, không thể nói riêng tượng đài. Nói như vậy, tượng đài biến thành tội đồ. Giá cả trượt quá nhanh, thời gian xây dựng bị kéo dài do kinh phí rót rất chậm cũng là một lý do. Thêm nữa, khả năng tiên lượng dự toán của đội ngũ chuyên môn cũng còn hạn chế. Tất cả cộng lại đã khiến chi phí bị đội lên.
Riêng về tượng đài Điện Biên Phủ thì báo chí đã nói nhiều rồi, người làm sai cũng đã lãnh hậu quả.